Dow Jones lập kỷ lục mới, dữ liệu việc làm Mỹ xoa dịu lo ngại kinh tế
Kết thúc phiên 4/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 341,16 điểm (+0,81%) lên 42.352,75 điểm, S&P 500 thêm 51,13 điểm (+0,90%) đạt 5.751,07 điểm và Nasdaq Composite leo 219,37 điểm (+1,22%) thành 18.137,85 điểm.
Chỉ số năng lượng thuộc S&P tăng 1,1% theo đà đi lên của giá dầu. Do những lo ngại ở Trung Đông, chỉ số này đã bổ sung thêm 7% trong tuần và đạt mức tăng phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2022.
Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và chỉ số tài chính cũng có thành tích vượt trội, với chỉ số Russell 2000 tăng 1,5% và chỉ số tài chính S&P 500 leo 1,6%.
Trong khi cổ phiếu của các hãng hàng không khác tăng mạnh thì Spirit Airlines lại lao dốc 24,6% do có báo cáo cho thấy hãng đang đàm phán với các chủ nợ về khả năng phá sản. Frontier Group “nhảy vọt” 16,4%, United Airlines tăng 6,5% và Delta Air Lines thêm 3,8%.
Cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Rivian mất 3,2% sau khi công ty cắt giảm dự báo sản lượng cả năm và giao ít xe hơn dự kiến trong quý ba.
Báo cáo lợi nhuận quý ba của các công ty thuộc S&P 500 dự kiến sẽ bắt đầu được công bố không chính thức vào tuần tới. Trong đó, nhóm doanh nghiệp tài chính lớn sẽ là điểm nhấn trong tuần tới, với JP Morgan Chase, Wells Fargo và BlackRock cùng phát hành báo cáo vào ngày 11/10.
Trong tuần, cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức tăng nhẹ sau khi có các lo ngại về gia tăng căng thẳng ở Trung Quốc. Cụ thể, Dow Jones tăng 0,1%, S&P 500 tăng 0,2%, và Nasdaq nhích 0,1%.
Về khía cạnh kinh tế, số lượng việc làm tại Mỹ trong tháng 9 chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong 6 tháng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,1%.
Dữ liệu này cơ bản cho thấy hoạt động kinh tế trong quý 4/2024 có khả năng duy trì ở mức độ vững chắc”, ông Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng tại Spartan Capital Securities nhận xét. "Đây là một bất ngờ tích cực, nhưng tôi cũng nghĩ điều này cũng có thể làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất”, ông nói thêm.
Các nhà giao dịch tiếp tục hạ bớt kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,50 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 6-7/11. Theo công cụ FedWatch của CME Group, tỷ lệ đặt cược cho mức giảm 0,5 điểm phần trăm hiện chỉ còn 8%.
Trong khi đó, các cảng bờ Đông và Vịnh của Mỹ đã mở cửa trở lại nhưng việc giải phóng ùn tắc hàng hóa có thể sẽ mất thời gian.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,91 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,03 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua
GIÁ DẦU GHI NHẬN MỨC TĂNG HÀNG TUẦN LỚN NHẤT TRONG 1 NĂM
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp đà đi lên khi vẫn còn nhiều lo ngại về tình hình xung đột lan rộng ở Trung Đông. Tuy nhiên, mức tăng đã phần nào bị giới hạn sau khuyến cáo của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc Israel không nên nhắm vào các cơ sở dầu của Iran.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 43 cent, tương đương 0,6%, lên mức 78,05 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 67 cent, tương đương 0,9%, đóng cửa ở mức 74,38 USD/thùng.
Trên cơ sở hàng tuần, dầu Brent tăng hơn 8%, mức cao nhất trong một tuần kể từ tháng 1/2023. WTI leo 9,1%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3/2023.
Theo dự báo của công ty môi giới StoneX, giá dầu có thể tăng từ 3 đến 5 USD/thùng vào tuần tới nếu các cơ sở hạ tầng dầu của Iran bị tấn công. Iran là thành viên của OPEC+ với sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 3% nguồn cung toàn cầu.
Như các nhà phân tích của Rystad chỉ ra, khả năng sản xuất dự phòng của nhóm OPEC+ sẽ cho phép các thành viên khác tăng sản lượng nếu nguồn cung của Iran bị gián đoạn, từ đó kiềm chế đà tăng giá dầu.
Ngoài ra, nỗi lo về nguồn cung ở Libya cũng đã giảm bớt. Chính phủ phía Đông của Libya và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia tại Tripoli mới đây cho biết tất cả các mỏ dầu và các cảng xuất khẩu đang được mở cửa trở lại sau khi giải quyết được tranh chấp về ngân hàng trung ương.
Kim Nguyễn