Đột biến cho vay margin ở công ty chứng khoán nhỏ
Công ty chứng khoán nhỏ bất ngờ bơm mạnh tiền cho vay
Quý III/2024 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về quy mô cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán. Đứng đầu vẫn là TCBS với giá trị cho vay margin cuối tháng 9/2024 đạt 24.988 tỷ đồng, tăng 53,7% so với hồi đầu năm và tăng 3,3% so với cuối quý II/2024. Nhóm cho vay dẫn đầu thị trường vẫn tiếp tục điểm tên những tên tuổi lớn với tiềm lực tài chính mạnh như HSC, SSI, Mirae Asset, VPS.
Tuy nhiên chỉ tính riêng trong quý III, nhiều công ty chứng khoán có sự bứt tốc mạnh mẽ về cho vay margin, ở nhóm công ty lớn nổi bật có thể kể đến Chứng khoán Vietcap (VCI).
Vietcap hiện đã đưa số dư cho vay margin vượt quá 10.000 tỷ đồng vào cuối quý 3, tăng 28,6% so với cuối quý II và tăng 32,8% so với hồi đầu năm. Khoản cho vay của VCI hiện đang chiếm gần 50% tổng tài sản doanh nghiệp.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III, Lãi từ các khoản cho vay và phải thu của VCI đạt 206,3 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ cho vay trong 9 tháng đầu năm nay đạt 621 tỷ đồng, tăng 23%. Cũng trong quý này, VCI bứt tốc thăng hạng để lọt vào top 5 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên HoSE tại vị trí thứ 4. Trước đó, VCI xếp thứ 6 trong danh sách Top 10.
Nhưng thể hiện mạnh mẽ nhất có lẽ phải kể đến một số công ty chứng khoán quy mô nhỏ. Nhiều cái tên ghi nhận dư nợ margin tăng vọt so với hồi đầu năm cũng như so với cuối quý II/2024.
Báo cáo tài chính quý III/2024 của CTCK Kafi cho biết, Lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng mạnh trong quý này với 85,6 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Công ty chứng khoán này đã bơm tiền liên tục cho hoạt động cho vay trong thời gian qua.
Nếu hồi đầu năm, dư nợ cho vay margin của Kafi đang ở ngưỡng 1.000 tỷ thì con số này đã tăng vọt lên 4.663 tỷ đồng cuối quý III, tương ứng tăng 328% so với đầu năm và tăng 18,9% so với cuối quý II/2024.
Kafi cũng đã tăng vốn thành công từ 1.500 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng hồi đầu năm. Ngoài tăng cho vay ký quỹ, công ty cũng gia tăng thêm đầu tư cho các tài sản FVTPL, đạt 7.547 tỷ đồng cuối quý III, tương ứng tăng trưởng 65%.
Một nhân tố đột biến là Chứng khoán LPBank (LPBS) khi các khoản cho vay bất ngờ tăng vọt bất thường. Nếu mấy năm nay, LPBS còn không có dư nợ cho vay thì trong 9 tháng đầu năm, công ty bất ngờ ghi tăng hạng mục này lên 3.004 tỷ đồng, đặc biệt riêng trong quý III, con số này tăng thêm tới 2.500 tỷ đồng. Báo cáo kết quả kinh doanh quý III năm nay ghi nhận LPBS đạt 47,9 tỷ đồng từ lãi các khoản cho vay và phải thu, trở thành mảng mang về doanh thu lớn nhất cho công ty, chiếm 70% tổng doanh thu hoạt động.
Ngoài ra, một công ty chứng khoán nhỏ khác là DNSE cũng đã đẩy dư nợ cho vay tăng 65% so với hồi đầu năm và tăng 16,6% trong quý III, lên mức 3.978 tỷ đồng.
Margin tăng chưa đủ tạo ra động lực cho thị trường
Thống kê mới nhất của FiinTrade từ BCTC quý III/2024 của 68 công ty chứng khoán (đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành) cho thấy dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt hơn 228 nghìn tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2024, tăng nhẹ so với cuối quý II.
FiinTrade đánh giá, tăng trưởng quy mô dư nợ cho vay margin không đồng đều ở các công ty chứng khoán. Tại thời điểm 30/9/2024, có 7 công ty chứng khoán có dư nợ margin đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, trong đó VCI là “gương mặt” mới nhất và 6 công ty chứng khoán còn lại là TCBS, SSI, HCM, Mirae Asset, VPS, VND. Ngoại trừ VCI, các công ty khác trong nhóm ghi nhận mức tăng khiêm tốn hay thậm chí là sụt giảm (SSI, VND). Ngược lại, quy mô dư nợ margin bất ngờ tăng mạnh trong quý 3 ở một số CTCK nhỏ, bao gồm DSE, KAFI, Chứng khoán Liên Việt.
Với mức tăng nhẹ, dư nợ cho vay margin tiếp tục lập đỉnh mới. Dù vậy, điều này vẫn không tạo ra động lực giúp thị trường sôi động.
Giá trị cho vay margin tiếp tục tăng lập đỉnh mới trong quý III vừa qua, nhưng thanh khoản chung kém đi và cá nhân giảm mua ròng (thậm chí quay ra bán ròng trong tháng 8-9 qua khớp lệnh). Thêm vào đó, tỷ lệ đòn bẩy (Tỷ lệ giữa Margin/tổng vốn hóa điều chỉnh theo free-float) và tỷ lệ margin/giá trị giao dịch bình quân duy trì ở mức cao. Điều này cho thấy dư nợ margin tăng thêm không giúp đẩy nhanh vòng quay giao dịch trên thị trường (do gia tăng cho vay theo “deal” - thỏa thuận).
Dữ liệu của FiinTrade còn cho thấy số dư tiền gửi của nhà đầu tư giảm quý thứ 2 liên tiếp bất chấp số lượng tài khoản mở mới duy trì tăng mạnh, đạt 819 nghìn tài khoản trong quý III. Tỷ lệ Margin/tổng giá trị tài sản của nhà đầu tư cũng đã đi ngang trong nhiều quý, kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Thủy Triều