Dòng vốn ETF bị rút ròng và cơ hội cho nhà đầu tư trong nước
Điều này chủ yếu đến từ các quỹ Fubon FTSE Vietnam (bị rút ròng hơn 626 tỷ đồng), quỹ DCVFMVN30 (195 tỷ đồng), quỹ VanEck Vector Vietnam ETF (109 tỷ đồng) và quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF (gần 80 tỷ đồng). Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân chính khiến dòng vốn ETF tại Việt Nam bị rút ròng liên tục là do các yếu tố từ thị trường quốc tế, đặc biệt việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì mức lãi suất cao để kiểm soát lạm phát tại Mỹ, tạo ra một xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Trước đó, chỉ số Dollar Index tăng cao đã tác động tiêu cực vào đồng Việt Nam, đẩy chi phí đầu tư và rủi ro lên cao. Dù tỷ giá đã dần ổn định trong tháng 9, song sự biến động liên tục này vẫn khiến nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về khả năng bảo toàn giá trị đầu tư trong bối cảnh tỷ giá có thể biến động bất ngờ.
Cùng với đó, những thách thức nội tại của nền kinh tế cũng ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, làm giảm sự hấp dẫn của cổ phiếu Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Song song với sự rút vốn của các quỹ ETF, nhà đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9/2024 với tổng giá trị bán ròng hơn 2.186 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng lũy kế trong 9 tháng năm 2024 của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 66.887 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại diện VNDIRECT cũng cho biết: “So với 6 tháng gần đây, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm đáng kể trong tháng 9/2024. Chúng tôi cho rằng chỉ số Dollar Index sẽ tiếp tục duy trì ở vùng thấp, qua đó hỗ trợ tỷ giá trong nước sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong thời gian tới. Chúng tôi kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm chuyển sang mua ròng trong thời gian tới.”
Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, trong thời điểm này, nhà đầu tư nội địa có thể coi đây là cơ hội để tái cấu trúc danh mục đầu tư và tận dụng những lợi thế ngắn hạn và dài hạn. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong nước có cái nhìn dài hạn và hiểu biết về đặc thù thị trường.
Trước tiên, cần tận dụng sự sụt giảm của cổ phiếu blue-chip. Sự bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra một khoảng trống lớn về giá trị trên thị trường, đặc biệt là ở các cổ phiếu blue-chip như: VIB, HPG, VPB và VIC. Các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản và sản xuất thép vẫn giữ được tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu nội địa và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Việc mua vào ở thời điểm giá giảm có thể mang lại lợi nhuận lớn khi thị trường hồi phục trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần tìm kiếm cơ hội trong các cổ phiếu ngành mới nổi như công nghệ, dịch vụ tài chính và năng lượng tái tạo. Các lĩnh vực này đang nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ và các nhà đầu tư trong nước, với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Các chuyên gia phân tích, thị trường chứng khoán có thể đối mặt với nhiều biến động trong thời gian tới, đặc biệt khi dòng vốn nước ngoài vẫn chưa có dấu hiệu quay lại. Nhà đầu tư nội địa nên cân nhắc đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro và tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt.
Trần Hương