Đồng USD tiếp tục giảm, rơi xuống sát đáy 3 năm
Đồng USD đã chịu áp lực bán tháo mạnh mẽ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế quan đối ứng từ 10% đến 49% với các đối tác thương mại.
Mặc dù ngày 9/4, ông Trump đã tuyên bố tạm hoãn các mức thuế quan đối ứng trong 90 ngày đối với nhiều quốc gia để đàm phán, nhưng động thái này vẫn không cứu vãn được đồng bạc xanh và làn sóng bán tháo tài sản Mỹ vẫn tiếp diễn dù mức độ có nhẹ hơn.
Đà suy yếu của đồng USD vẫn tiếp diễn trong phiên giao dịch châu Á hôm thứ Tư (16/4). Hiện chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - đang dao động quanh ngưỡng 99,50, giảm hơn 0,7% so với thời điểm mở cửa và có xu hướng tiến sát tới đáy 3 năm thiết lập vào tuần trước.
Ngược chiều với đồng USD, đồng tiền chung Euro, dù đã có một đợt thoái lui từ mức cao nhất trong 3 năm thiết lập vào tuần trước là 1,1474 USD, nhưng trong phiên giao dịch châu Á sáng nay, đồng tiền này đã tăng 0,6% lên 1,1346 USD, qua đó góp phần đẩy chỉ số USD Index giảm trở lại xuống dưới ngưỡng 100.
Đặc biệt đồng Franc Thụy Sĩ và Yên Nhật tiếp tục được các nhà đầu tư mua vào vì xem đây là các tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh rủi ro thuế quan tăng cao.
Theo đó, Franc Thụy Sĩ - đồng tiền tăng giá lớn nhất trong số các đồng tiền G10 kể từ khi ông Trum công bố các mức thuế quan đối ứng ngày 2/4 - đã tăng gần 1% lên mức 0,8184 USD.
Tương tự, Yên Nhật cũng tăng khoảng 0,5% lên 142,6 JPY/USD, cách không xa mức đỉnh 6 tháng thiết lập vào tuần trước.
Đồng bảng Anh cũng đạt mức cao nhất trong 6 tháng là 1,3296 USD và hầu như không bỏ lỡ một nhịp tăng nào vì Anh đã được miễn các khoản thuế đối ứng mới nhất của Mỹ và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã nói về triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại song phương.
Trong khi đồng đôla Canada vẫn ổn định ở mức 1,3934 CAD/USD, song đồng tiền này đã tăng 4% vào tháng 4.
Ngược lại, đôla Úc và đôla New Zealand đã giảm nhẹ so với mức đỉnh gần đây, nhưng vẫn giữ được mức cao sau khi đã ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2020 vào tuần trước. Hiện đôla Úc đang được giao dịch ở mức 0,6350 USD và đôla New Zealand ở mức 0,5917 USD.
Với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, thị trường dường như không có nhiều phản ứng đối với hoạt động mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc trong quý đầu năm, thay vào đó là những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có xu hướng leo thang.
Tất cả những diễn biến này là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về mức độ các nhà đầu tư đã trừng phạt đồng USD nặng nề như thế nào do lo ngại về chính sách thuế quan bất định của ông Trump và khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ. Một minh chứng khác là cổ phiếu Mỹ cũng khép lại phiên giao dịch thứ Ba thấp hơn một chút.
Tuy nhiên trái phiếu Kho bạc Mỹ, sau khi bị bán tháo gần như hoảng loạn vào tuần trước, đã cho thấy dấu hiệu ổn định và đang được theo dõi để tìm kiếm tín hiệu cho thấy mối tương quan khá chặt chẽ giữa lợi suất và đồng đô la có thể tiếp tục sau một sự gián đoạn.
“Chúng tôi cho rằng việc khôi phục lại phương trình lợi suất UST (trái phiếu Kho bạc) cao hơn = đồng đô la mạnh hơn sẽ là dấu hiệu chính của sự bình thường hóa”, Steve Englander - giám đốc nghiên cứu ngoại hối G10 của Standard Chartered cho biết và nói thêm, nếu sự bi quan về tăng trưởng và thuế quan dịu bớt, có thể dẫn đến sự hỗ trợ mới cho đồng đôla.
Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi sát thông tin về cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent bắt đầu vào cuối ngày thứ Tư vì có đồn đoán rằng các quốc gia đồng ý về một đồng Yên mạnh hơn. Bên cạnh đó là dữ liệu CPI của Anh sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Tư, cùng với doanh số bán lẻ của Mỹ, phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và cuộc họp của NHTW Canada…
Theo các nhà phân tích, tất cả những yếu tố này có thể tác động tới thị trường ngoại hối thời gian tới, đặc biệt là các cuộc đàm phán của Mỹ với các đối tác.
Hà Vy