Dòng tiền nội ngoại đổ mạnh vào thị trường, MSN, FPT thanh khoản ngàn tỷ
Giao dịch bùng nổ sáng nay đẩy thanh khoản khớp lệnh hai sàn tăng vọt 34% so với sáng hôm qua, độ rộng thể hiện đà tăng giá lan khắp bảng điện. Tuy vậy dòng tiền không lan tỏa rõ rệt mà tập trung vào một nhóm cổ phiếu mạnh. FPT, MSN nhận được lực cầu khổng lồ của cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài giao dịch chiếm 23,2% tổng giá trị khớp sàn HoSE và chiếm gần 37% rổ VN30.
Dòng tiền đang săn lùng các cổ phiếu dự báo có kết quả kinh doanh đột phá trong quý 3/2024. Những mã tăng mạnh sáng nay hầu hết đã được các công ty chứng khoán đưa ra dự phóng lợi nhuận từ trước. Mặc dù toàn sàn HoSE có 201 cổ phiếu tăng và 135 cổ phiếu giảm nhưng nhóm tăng vượt 1% cũng mới chỉ có 45 mã. FPT và MSN giao dịch nổi bật nhất.
FPT chốt phiên sáng nay tại mức 140.900 đồng, chính thức lập đỉnh cao lịch sử mới với mức tăng 4,06% so với tham chiếu. Thanh khoản blue-chips này lên tới 1.032,2 tỷ đồng, tương ứng gần 7,41 triệu cổ phiếu được trao tay, là ngưỡng giao dịch cao nhất kể từ đầu tháng 9 vừa qua. Khối ngoại mua vào 2,25 triệu đơn vị, chiếm trên 30% tổng lượng giao dịch. Giá trị mua ròng lên tới 286,4 tỷ đồng.
Tuy không được khối ngoại mua ròng nhiều như FPT nhưng MSN mới là mã thanh khoản cao nhất thị trường sáng nay, đạt 1.100,8 tỷ đồng tương ứng 13,9 triệu đơn vị. MSN tăng giá 3,51%. Khoảng 4,6 triệu cổ được khối ngoại mua vào sáng nay, chiếm một phần ba tổng giao dịch, giá trị ròng tương ứng 267,1 tỷ đồng.
FPT hiện đang là cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 3 của VN-Index, MSN nhỏ hơn, đứng thứ 15. Dù vậy biên độ tăng giá cực mạnh đã tác động rất tích cực đến chỉ số, hai mã này cộng khoảng 3 điểm trong tổng mức tăng 7,84 điểm của chỉ số này sáng nay. Về mặt thanh khoản, so với sáng hôm qua, MSN và FPT tăng khoảng 1.875 tỷ đồng khớp lệnh, đồng nghĩa với mức tăng thanh khoản của toàn sàn HoSE lẫn rổ VN30 đều nhờ công của hai cổ phiếu này. Cụ thể, mức tăng thanh khoản của MSN và FPT chiếm 76% mức tăng thanh khoản của sàn HoSE và chiếm 93% mức tăng thanh khoản của rổ VN30.
Ngoài hai blue-chips nổi bật nói trên, thị trường cũng chứng kiến khá nhiều mã giao dịch tích cực, dù thanh khoản không có sự đột biến tương tự. DGC, SSI, HDB, FRT, VNM, CMG, LPB… đều là những mã có biên độ tăng giá mạnh trên nền thanh khoản khá lớn. Còn lại hầu hết các cổ phiếu tăng khỏe nhất thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, có thanh khoản thấp như VFG, APG, CNG, HAG, LHG…
VN-Index chốt phiên sáng tăng 7,84 điểm tương đương 0,61%. Đây chưa phải là mức tăng tốt nhất của chỉ số này, trong phiên có lúc VN-Index tăng gần 21,3 điểm (+0,97%). Trong nửa sau của phiên đà tăng chững lại và suy yếu một chút do hoạt động chốt lời gia tăng. Một số trụ lùi giá khá rõ như VCB để mất 1,29% so với đỉnh, chốt phiên sáng còn tăng 0,88%; VHM tụt 1,17% đảo chiều thành giảm nhẹ 0,24%; BID tụt 0,9% còn tăng 0,1%; CTG tụt 1,09% còn tăng 0,42%; HPG tụt 0,9% đảo chiều thành giảm 0,18%; TCB tụt 0,6% còn tăng 0,81%; GAS tụt 0,41% còn tăng 0,83%. Đây đều là các trụ thuộc Top 10 vốn hóa thị trường. FPT và MSN cũng lùi giá, trong đó FPT trả lại 0,28% còn MSN trả lại gần 1%.
Diễn biến tăng giá mạnh bất ngờ có thể khuyến khích nhà đầu tư bán ra nhiều hơn. Thực tế ngưỡng 1300 điểm vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người, đỉnh cao nhất sáng nay VN-Index đã quay lại mức 1.294,33 điểm. Dù vậy dòng tiền mua vào cũng rất ấn tượng, đặc biệt có cảm hứng từ diễn biến của MSN và FPT. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn tăng 34% so với sáng hôm qua, đạt 9.587 tỷ đồng, cao nhất 5 phiên sáng trở lại đây. Mặt khác, lực cầu đỡ cũng duy trì tương quan giá rất tốt, sàn HoSE vẫn có 201 mã tăng/135 mã giảm. Gần như tất cả số giảm đều rất nhẹ, trong 30 mã giảm quá 1% thì chỉ duy nhất D2D có thanh khoản nhỉnh hơn số còn lại khớp 21,8 tỷ, giá 1,97%. Còn như CTF, TCO, BMP, DVP giao dịch nhiều nhất sau D2D cũng chỉ khớp vài tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giải ngân tăng vọt lên 1.173,2 tỷ đồng trên HoSE, trong đó mua ròng 413,7 tỷ đồng. Đây là ngưỡng giải ngân cao nhất 5 tuần. Giao dịch mua tâp trung vào FPT, MSN, ngoài ra có thêm TCB với 93,2 tỷ. Bên bán có STB -42,7 tỷ, VPB -26,5 tỷ, VHM -26,2 tỷ, MWG -20,8 tỷ.
Kim Phong