Động thái chính sách của các NHTW lớn
1. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)
Fed đã cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào thứ Năm tuần trước, là lần cắt giảm lãi suất thứ hai trong năm nay. Chủ tịch Jerome Powell cho biết kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ không có tác động "trong ngắn hạn" đến chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, với việc lạm phát tại Mỹ được dự báo có thể tăng trở lại nếu các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump được thực thi, Fed có thể sẽ chậm lại hơn nữa tốc độ giảm lãi suất.
2. NHTW châu Âu (ECB)
ECB đang trong chế độ nới lỏng, đã cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm vào tháng 10. Hiện thị trường đang kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa vào tháng 12, nhưng kỳ vọng về một động thái lớn hơn đã bị thu hẹp do dữ liệu lạm phát tại khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) mạnh hơn dự kiến.
3. NHTW Anh (BoE)
BoE đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản lần thứ hai kể từ năm 2020 vào thứ Năm tuần trước và cho biết các đợt cắt giảm trong tương lai có thể sẽ diễn ra dần dần. Lý do là cơ quan này lo ngại ngân sách của chính phủ có thể khiến lạm phát cao hơn. Hiện các nhà đầu tư cũng giảm kỳ vọng vào tốc độ cắt giảm lãi suất của BoE xuống chỉ còn hai hoặc ba lần cắt giảm 25 điểm cơ bản nữa trong năm 2025.
4. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB)
SNB đã đi đầu trong việc cắt giảm lãi suất khi đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ vào tháng 3 và đến nay đã cắt giảm lãi suất 3 lần, đưa lãi suất xuống còn 1%. Với lạm phát ở mức thấp nhất trong hơn 3 năm, chỉ ở mức 0,6%, các nhà giao dịch kỳ vọng SNB sẽ thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất nữa tại cuộc họp ngày 12/12. Thậm chí, thị trường còn đặt cược khoảng 30% khả năng SNB sẽ cắt giảm lãi suất tới nửa điểm.
5. NHTW Canada (BoC)
BoC cũng đã cắt giảm lãi suất 4 lần liên tiếp kể từ tháng 6. Tại cuộc họp chính sách tháng 10, BoC đã cắt giảm lãi suất tới 50 điểm cơ bản xuống 3,75% khi lạm phát giảm xuống dưới mục tiêu 2% và nền kinh tế suy yếu. Cơ quan này được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 12, trong đó các nhà đầu tư đang định giá gần 50% khả năng BoC sẽ có thêm một động thái cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản nữa.
6. NHTW Thụy Điển (Riksbank)
Riksbank đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản xuống còn 2,75% vào thứ Năm tuần trước và phát đi tín hiệu có thể cắt giảm tiếp lãi suất vào tháng 12 nếu triển vọng kinh tế và lạm phát vẫn không thay đổi. Hiện thị trường đang định giá khoảng 60% khả năng Riksbank sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 12.
7. Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ)
RBNZ đã vẽ nên một bức tranh kinh tế ảm đạm trong Báo cáo Ổn định Tài chính được công bố hôm 5/11, và với lạm phát trong phạm vi mục tiêu 1-3%, cơ quan này được dự báo sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất với tốc độ khá mạnh. Tính đến nay, RBNZ đã cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản và thị trường đang định giá 100% khả năng RBNZ sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 11 và có thể có động thái tương tự vào tháng 2.
8. NHTW Na Uy (Norges Bank)
Norges Bank vẫn nằm trong phe diều hâu. Cơ quan này hôm 7/11 đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 16 năm là 4,5% và cho biết sẽ giữ nguyên trong phần còn lại của năm. Norges Bank chỉ kỳ vọng lãi suất sẽ bắt đầu giảm trong quý đầu tiên của năm 2025.
9. Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA)
Hôm 5/11, RBA cũng giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 12 năm là 4,35% và cho biết chính sách sẽ cần phải duy trì hạn chế trong một thời gian. RBA không thấy lạm phát cơ bản quay trở lại phạm vi mục tiêu 2-3% cho đến năm 2026 và thị trường chỉ thấy khoảng 67% khả năng RBA sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 4/2025.
10. NHTW Nhật Bản (BOJ)
Lạm phát gia tăng đã thúc đẩy BOJ tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7. Tuy nhiên, BOJ đã giữ nguyên lãi suất kể từ đó và tình hình chính trị bất ổn sau khi liên minh cầm quyền của Nhật Bản mất đa số trong cuộc bầu cử bất ngờ vào tháng 10 càng khiến cho vấn đề trở nên phức tạp đối với BOJ. Hiện thị trường thấy khả năng tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 1 là cao hơn so với trường hợp không tăng.
Hoàng Nguyên