1. Tài chính

Động lực để tín dụng tăng tốc cuối năm

Giới chuyên môn nhận định, nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, đơn hàng của doanh nghiệp nhiều hơn. Điều này thể hiện qua chỉ số PMI đã đạt 51,2 điểm trong tháng 10 tăng so với 47,3 điểm của tháng 9. Nhất là những tháng cuối năm, các doanh nghiệp thường tăng cường sản xuất kinh doanh hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu vốn người dân, doanh nghiệp vì thế cũng tăng cao. Một điều thuận lợi cho các doanh nghiệp là mặt bằng lãi suất cho vay đang khá “mềm” nên nhiều người dân, doanh nghiệp cũng mạnh tay vay vốn để dồn sức chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết.

Anh Đức Nhâm - Giám đốc Công ty Ngọc Hà chuyên vật liệu xây dựng cho biết, thường cuối năm giá vật liệu sắt, thép sẽ tăng do vào mùa xây dựng cầu thị trường tăng. Để tăng nguồn hàng dự trữ không bị biến động về giá, nhất là tranh thủ lãi suất cho vay đang ở mức thấp, công ty đã mạnh dạn vay vốn để chủ động đặt hàng sớm cũng như tăng nguồn hàng lên 20% so với kế hoạch. “Lãi suất hiện tại là 6,9%/năm có thể nói là mức khá tốt cho những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi”, anh Nhâm bày tỏ.

Ông Nguyễn Khắc Duy - Phó giám đốc Công ty Chơn Chính cho biết, lượng đơn hàng năm nay của doanh nghiệp tăng 200% nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu. Đơn hàng tăng nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng theo. May mắn là 2 ngân hàng mà doanh nghiệp có quan hệ tín dụng đang giảm lãi suất cho vay từ 7%/năm xuống còn 5-5,5%/năm. Dự kiến doanh nghiệp tiếp tục vay thêm vốn để đầu tư máy móc, nhà xưởng mở rộng quy mô sản xuất.

Ngành Ngân hàng đang triển khai đồng bộ các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân

Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn phục vụ mùa kinh doanh cuối năm với mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-6,5%/năm; lãi suất trung, dài hạn dưới 9%/năm. Đơn cử, Sacombank có gói tín dụng cho vay ngắn hạn với quy mô 15.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 4,5%/năm với khách hàng doanh nghiệp, còn với khách hàng cá nhân lãi suất chỉ từ 5,5%/năm khi vay sản xuất, kinh doanh. ACB hiện dành khoảng 5.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu. Cá biệt có Agribank cho vay lãi suất thấp hơn 3%/năm. Ông Hoàng Minh Ngọc - Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng đang thiết kế nhiều gói tín dụng cho từng nhóm khách hàng riêng với lãi suất ưu đãi. Trong đó có gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp lĩnh vực nông thủy sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu đang có lãi suất chỉ từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng.

Ngoài chính sách lãi suất ưu đãi, để cạnh tranh hút khách hàng tốt, các ngân hàng “may đo” nhiều hơn các sản phẩm tín dụng riêng biệt. Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết, ngân hàng triển khai nhiều giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng như cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền, các giải pháp tín dụng xanh… để doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài.

Qua theo dõi thực tế, bà Phùng Thị Bình - Phó tổng giám đốc Agribank cho rằng, cùng với sự ổn định, phát triển của nền kinh tế từ cuối quý II, đầu quý III tín dụng cải thiện. Như tại Agribank, so với 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng cao hơn nhiều cho thấy nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ tích cực hơn. Ngân hàng cố gắng đạt mục tiêu tối thiểu mà NHNN giao.

Theo nhận định của CTCK Vietcombank, hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm - có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; Thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà… sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Ngoài ra, hiện nay, ngành Ngân hàng đang triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như nâng quy mô chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ lên 145 nghìn tỷ đồng; Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản cũng tăng lên tới 60 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với quy mô ban đầu; Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Có thể nói, ngành Ngân hàng đang triển khai đồng bộ các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân. Điều này cũng được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Doanh nghiệp đánh giá, các gói tín dụng tại ngân hàng có mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động tốt đang khá phù hợp để doanh nghiệp có thể phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) chia sẻ, doanh nghiệp rất thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn lưu động, vốn đầu tư tài sản cố định cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được nguồn vốn, theo ông Hiến bản thân doanh nghiệp phải hoạt động có hiệu quả. Đây là cơ sở để ngân hàng xem xét hỗ trợ cho vay vốn.

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, doanh nghiệp và người dân có thể đầu tư từ rất nhiều nguồn vốn như vốn tự có, vốn vay ngân hàng, nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài, nguồn vốn vay nợ. Do đó, bản thân doanh nghiệp và người dân cần cân nhắc tiếp cận các nguồn vốn phù hợp. Còn khi tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và khách hàng phải có phương án kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ..

Nguyễn Vũ

Tin khác