Đồng đô la đạt mức gần cao nhất 5 tháng do lo ngại về thuế quan của ông Trump
Hôm thứ Ba (12/11), chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) đã tăng 0,6% so với rổ các tiền tệ chính khác, đạt 105,99 điểm, gần mức cao nhất kể từ tháng 6 (ngày 26/6, chỉ số Dollar Index đạt 106,05 điểm) và nếu nhìn rộng ra, từ ngày 24/9 đến ngày 12/11, chỉ số Dollar Index đã tăng 5,7%, từ 100,24 điểm.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng vọt 0,11% lên 4,42%, gần với mức cao nhất đạt được ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tuần trước. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm nhạy cảm hơn với kỳ vọng về lãi suất ngắn hạn đã tăng thêm 0,08% lên 4,34%.
Các nhà đầu tư đã giảm kỳ vọng về tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau chiến thắng quyết định của ông Trump, vì lo ngại thuế quan mạnh có thể đẩy giá hàng hóa lên cao hoặc việc cắt giảm thuế và các chính sách thúc đẩy tăng trưởng khác có thể khiến nền kinh tế quá nóng.
Thị trường tương lai hiện định giá khoảng 62% khả năng Fed sẽ công bố đợt cắt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 12, giảm so với mức khoảng 81% ngay trước cuộc bầu cử tuần trước.
Neel Kashkari, Chủ tịch Fed Minneapolis cho biết: "Lạm phát gây bất ngờ… có thể khiến chúng ta tạm dừng trước cuộc họp tiếp theo của ngân hàng trung ương”.
Win Thin, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại Brown Brothers Harriman đã dự đoán rằng, Fed sẽ “tiếp tục có giọng điệu thận trọng trong tương lai, đặc biệt là khi xem xét những rủi ro lạm phát gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump”.
Ian Lyngen, Giám đốc chiến lược lãi suất Mỹ tại BMO Capital Markets cho biết, thị trường đang “tập trung lại vào khả năng lạm phát để một lần nữa xác định chương trình nghị sự trong tương lai”.
Biến động của thị trường thị trường vào ngày 12/11 cũng diễn ra sau các báo cáo nêu bật triển vọng về một chính sách đối ngoại quyết liệt hơn, bao gồm cả thuế quan tiềm tàng. Những người hiểu rõ vấn đề này cho biết, ông Trump đang có kế hoạch bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Marco Rubio - một người có lập trường cứng rắn nổi tiếng về Iran và Trung Quốc - làm Ngoại trưởng và Nghị sĩ bang Florida Mike Waltz - một người khác cũng có quan điểm tương tự về Trung Quốc - làm cố vấn an ninh quốc gia.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa đang tiến gần hơn đến việc xác nhận chiến thắng áp đảo tại cả Thượng viện và Hạ viện, tạo cho ông Trump nhiều không gian hơn để thúc đẩy các đợt cắt giảm thuế hoặc tăng thuế quan lớn.
Ông Trump đã tuyên bố trong cuộc tranh cử rằng sẽ áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ và áp thuế toàn diện từ 10% đến 20% đối với tất cả các đối tác thương mại khác.
Các nhà đầu tư đang lo ngại các nhà sản xuất châu Âu sẽ phải chịu đòn kép từ thuế quan của Mỹ đối với hàng xuất khẩu và khả năng Trung Quốc tràn ngập khu vực này bằng hàng nhập khẩu giá rẻ làm suy yếu các công ty trong nước, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô.
Tomasz Wieladek, nhà kinh tế trưởng châu Âu của T Rowe Price cho biết: "Phần còn lại của thế giới đang bị siết chặt. Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng. Trung Quốc cũng sẽ bị tổn hại khá nhiều vì nước này đã bị chỉ định là mục tiêu áp thuế chính… Nó gần giống như sự phân phối lại phần tăng trưởng còn lại của thế giới vào nền kinh tế Mỹ”.
Ngoài ra, một chỉ báo khác liên quan về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu khi mà giá đồng đã giảm gần 2% trong ngày 12/11 khi các nhà đầu tư lo ngại rằng hàng hóa sẽ phải chịu gánh nặng từ mức thuế quan có thể áp dụng của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Được biết, đồng là nguyên liệu cơ bản của ngành công nghiệp do là đầu vào của nhiều ngành công nghiệp quan trọng, vì vậy việc giá đồng giảm cho thấy lo ngại hàng hóa sẽ phải chịu gánh nặng từ mức thuế quan cao hơn trong thời gian tới.
Kelly Ke-Shu Chen, nhà phân tích của DNB Markets cho biết, lập trường của ông Marco Rubio nếu được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ sẽ làm suy yếu triển vọng về “bất kỳ hình thức đối thoại nào” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài