1. Chứng khoán

'Đón sóng' kết quả kinh doanh quý III, dòng tiền chọn nhóm ngành nào?

Lợi nhuận quý III/2024 của nhiều doanh nghiệp vẫn được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Ảnh tư liệu

Lợi nhuận doanh nghiệp dự báo tăng gần 20%

Theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), lợi nhuận trong các ngành sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong quý III, dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức tăng 19,5% so với cùng kỳ trong quý III/2024 hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, tỷ giá giảm mạnh, sản xuất và tiêu dùng đang trên đà phục hồi.

Đối với ngành ngân hàng, MBS nhận định rằng, đây là giai đoạn phục hồi tích cực với dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện, đạt khoảng 7,38% tính đến giữa tháng 9. Sự hồi phục này chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh, mặc dù thu nhập ngoài lãi vẫn gặp khó khăn và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Về biên lợi nhuận (NIM), dự báo sẽ không có sự tăng trưởng mạnh do lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2024. Các ngân hàng hiện đang tích cực huy động vốn, trong khi lãi suất cho vay sẽ giữ ở mức thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

MBS dự báo nợ xấu sẽ không gia tăng trong quý này nhờ sự ổn định của nhóm khách hàng doanh nghiệp. Đáng chú ý, các ngân hàng sẽ giảm tốc độ trích lập dự phòng trong nửa cuối năm do tín dụng từ nhóm khách hàng cá nhân không tăng nhiều. Kết quả, bộ đệm dự phòng dự kiến sẽ giảm, đồng thời lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết có thể tăng tới 16,5% so với cùng kỳ năm trước, góp phần vào sự tăng trưởng chung của thị trường.

Với ngành bất động sản (BĐS), theo MBS, sẽ có sự phân hóa rõ rệt trong kết quả kinh doanh. Tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung căn hộ mới vẫn hạn chế với chỉ khoảng 1.676 sản phẩm, giảm 59% so với cùng kỳ. Mặc dù giá BĐS chỉ tăng 6% so với năm trước, nguồn cung mới chủ yếu đến từ các dự án cao cấp có pháp lý rõ ràng. Ngược lại, tại Hà Nội lại chứng kiến nguồn cung mới tăng mạnh 176%, với 10.841 sản phẩm, cao nhất trong 5 năm qua và giá BĐS tại đây cũng tăng 22%.

Trong khi đó, ngành BĐS khu công nghiệp và cao su duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ vào dòng vốn FDI tích cực. Trong 8 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đăng ký và giải ngân tăng lần lượt 7% và 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận ròng giữa các công ty sẽ khác nhau do thời điểm bàn giao đất khác nhau. Một số công ty có thể ghi nhận lợi nhuận ròng cao gấp ba lần so với cùng kỳ nhờ vào việc chuyển nhượng đất dân cư.

Các chuyên gia của MBS cũng cho rằng chứng khoán thế giới có thêm lực đẩy từ thị trường Trung Quốc để củng cố các mức cao mới, sẽ tiếp tục là nhân tố hỗ trợ cho thị trường trong nước bứt phá khỏi vùng đỉnh cũ, cùng xu hướng với các chỉ số lớn trên thế giới. Thị trường đang dần khép lại ba phần tư chặng đường năm 2024 với mức tăng mạnh 14,25% kể từ đầu năm, được hỗ trợ bởi xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu đang được định hình.

Ngoài ra, thị trường trong nước sắp đón nhận những thông tin sớm từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024, FTSE Rushell công bố kết quả phân loại thị trường trong tháng 10 thay vì ở tháng 9 như thường lệ, bên cạnh đó các cơ hội ở cổ phiếu riêng lẻ cũng xuất hiện khi các ETF như Diamomd được cơ cấu lại trong tháng 10… sẽ là các nhân tố có tác động tích cực, hỗ trợ thị trường bứt phá theo xu hướng chung của chứng khoán thế giới.

Dòng tiền “đón đầu” cơ hội

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá, có khá nhiều nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực trong quý III, một phần vì mức nền thấp của cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều khả năng dòng tiền thông minh đã “đón đầu” và thúc đẩy mặt bằng giá cổ phiếu, khiến cho mức định giá không còn quá hấp dẫn. Hiện tại, nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực và mức định giá còn khá hấp dẫn có thể kể đến nhóm ngân hàng, thép và vận tải.

Ông Bùi Nguyên Khoa - Phó Trưởng phòng Phòng Phân tích nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà cải thiện từ cuối năm 2023. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III/2024 bao gồm: dấu hiệu phục hồi kinh tế dần trở nên rõ nét; lạm phát trong kiểm soát và áp lực tỷ giá giảm bớt sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước mở rộng thêm chính sách tiền tệ trong các tháng cuối năm khi FED hạ lãi suất.

Theo ông Khoa, kết quả kinh doanh quý III và quý IV/2024 của các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện nhờ vào việc giảm chi phí lãi vay, giảm lỗ do chênh lệch tỷ giá và tiết giảm chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, nền thấp của quý III/2023 cũng giúp cho kết quả kinh doanh trong giai đoạn này tăng trưởng tốt.

Về diễn biến dòng tiền trên thị trường chứng khoán, ông Khoa đánh giá, dòng tiền thông minh đã và đang tìm đến các nhóm ngành có triển vọng khả quan trong quý III. Dầu khí, ngân hàng và bất động sản là những nhóm ngành thu hút dòng tiền mạnh từ cả nhà đầu tư cá nhân trong nước đây cũng là những nhóm ngành có hiệu suất cao trong quý III/2024.

“Sự dịch chuyển của dòng tiền còn thể hiện rõ qua việc nhà đầu tư cá nhân trong nước đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu có dự phóng kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, cũng có những nhóm ngành như bảo hiểm và du lịch giải trí đang bị rút ròng do lo ngại về kết quả kinh doanh không khả quan. Tổng thể, dòng tiền đang hướng đến các ngành có tiềm năng tăng trưởng rõ rệt và mức nền thấp trong năm 2023” - ông Khoa phân tích.

Hồng Quyên

Tin khác