Doanh nghiệp xây dựng đa dạng hóa nguồn thu
Khi các chủ đầu tư dự án địa ốc gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh của nhà thầu xây lắp công trình dân dụng lập tức bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình, mã HBC) lỗ 2.566,8 tỷ đồng trong năm 2022. Năm 2023, Công ty lỗ thêm 1.100 tỷ đồng.
Ngành xây dựng dân dụng là một nhánh trong chuỗi giá trị bất động sản. Trong hơn 2 năm qua, nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm triển khai dự án và chậm thanh toán, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các công ty xây dựng, nhà thầu phụ, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sang xây dựng dự án đầu tư công, xây dựng công nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG), Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã HHV), Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (mã CC1), Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (mã C4G), Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã CTD).
Nhóm doanh nghiệp này duy trì được khối lượng công việc trong bối cảnh mảng xây dựng dân dụng gặp khó khăn nhờ các dự án trọng điểm quốc gia được đẩy mạnh đầu tư như Sân bay Long Thành, Cao tốc Bắc - Nam, cũng như dự án quy mô lớn của khối doanh nghiệp FDI.
Đơn cử, Coteccons chuyển dịch sang mảng xây dựng công nghiệp từ 3 năm trước và trúng thầu các dự án của LEGO, Foxconn, Suntory Pepsico…
Ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc Coteccons cho biết: “Trong niên độ tài chính 2023 - 2024, lĩnh vực xây dựng công nghiệp đóng góp tới 50% tổng doanh thu, trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi như kỳ vọng. Việc đa dạng nguồn thu và đặc biệt là lĩnh vực xây dựng công nghiệp đã giúp Công ty có kết quả kinh doanh khởi sắc”.
Ông Lâm kỳ vọng, việc tham gia các dự án hạ tầng tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), Long An, tuyến đường liên tỉnh nối TP.HCM với Long An… sẽ giúp doanh thu lĩnh vực xây dựng hạ tầng ngày một chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng doanh thu.
Được biết, niên độ tài chính 2023 - 2024, Coteccons đạt doanh thu 21.045 tỷ đồng, tăng 30,8%; lợi nhuận sau thuế 299,5 tỷ đồng, tăng 343,3% so với niên độ liền trước.
Ngược lại, đối với Hòa Bình, doanh thu xây dựng dân dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn, giai đoạn 2021 - 2023 lần lượt là 65,6%, 97,7% và 94,9%. Trong đó, tổng doanh thu năm 2023 là 7.537 tỷ đồng, giảm 46,7% so với năm 2022.
Về định hướng kinh doanh, Hòa Bình chia sẻ, bên cạnh việc tái cấu trúc, mục tiêu của Công ty là mở rộng hoạt động xây dựng ra thị trường nước ngoài, bắt đầu với các dự án nhà ở xã hội tại Kenya.
Trong bối cảnh mảng xây dựng dân dụng chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét, xây dựng công nghiệp, xây dựng dự án đầu tư công không những trở thành “cứu cánh”, mà còn có triển vọng sáng trong dài hạn.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 ước đạt 14,15 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm qua và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Về kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc tới năm 2025 và 5.000 km cao tốc tới năm 2030, đồng thời hoàn thành các tuyến đường sắt, các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng trên cả nước, đồng thời dòng vốn FDI liên tục tăng có thể mang lại khối lượng công việc lớn cho ngành xây dựng công nghiệp và hạ tầng trong những năm tới.
Duy Bắc