Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Sáng ngày 11/11, Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho hay, theo kế hoạch tăng trưởng xanh, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh. Đây là nhóm nhiệm vụ ở mức ưu tiên cao và phải thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành một số văn bản như là Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam vào năm 2018, hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường năm 2023.
Các ngân hàng thương mại cũng đã cung cấp các gói tín dụng xanh chủ yếu cho các lĩnh vực năng lượng, nông, lâm nghiệp, xử lý chất thải.
Tuy nhiên, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.
"Thống đốc đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ này đến năm 2025 như thế nào, liệu có đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi xanh của doanh nghiệp hay không? Câu hỏi này cũng được gửi đến Bộ trưởng Tài chính", đại biểu đặt vấn đề.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, bảo vệ môi trường là vấn đề rất quan trọng trong phát triển bền vững và được các nước trên thế giới cũng quan tâm. Đối với Việt Nam, Trung ương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm vấn đề này.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, trên cơ sở các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết và kế hoạch triển khai của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các chỉ thị, văn bản để khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để cấp tín dụng xanh, triển khai các giải pháp quản lý rủi ro về môi trường khi các tổ chức tín dụng cấp tín dụng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các kế hoạch hành động, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống, triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tăng trưởng xanh.
Năm 2017, từ chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh, đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ vào khoảng 650 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm khoảng 45%; đối với nông nghiệp sạch, xanh chiếm 30%. Đặc biệt dư nợ tín dụng mà các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng đánh giá về các rủi ro môi trường đã tăng lên khoảng 3,2 triệu tỷ đồng trong tổng số dư nợ của cả hệ thống là 15 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ rõ, hiện Ngân hàng Nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì hệ thống ngân hàng cần được hướng dẫn của các cơ quan, bộ ngành liên quan đến danh mục phân loại xanh để các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng căn cứ vào đó. Còn đối với đầu tư vào lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… đòi hỏi nguồn vốn với giá trị rất lớn và kì hạn dài, đây chính là những khó khăn của hệ thống ngân hàng khi nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng rất ngắn hạn.
Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện triển khai theo đúng kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại xanh thì Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh và Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi thực hiện, đánh giá rủi ro về môi trường, nếu có vướng mắc phát sinh thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉnh sửa.
H.A