Doanh nghiệp khát vốn, tín dụng xanh 'rủng rỉnh' vẫn khó cho vay
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong khoảng 650.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng được cơ quan này xác định là dư nợ xanh, lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng sạch chiếm 45%, mảng nông nghiệp sạch chiếm 30%.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản khuyến khích các nhà băng tập trung nguồn lực cấp tín dụng xanh, đồng thời quản lý rủi ro về môi trường khi giải ngân, hoàn thiện cơ chế chính sách để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.
Từ 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh vào năm 2017, hiện có 50 đơn vị phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Dù giá trị tuyệt đối chưa lớn, song tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh bình quân giai đoạn 2017-2023 là 17%/năm, cao hơn tốc độ chung của hệ thống.
Bên cạnh đó, số dư nợ cấp tín dụng được ngân hàng đánh giá về rủi ro đối với môi trường đã lên 3,2 triệu tỷ, chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng gần 15 triệu tỷ đồng.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), cho biết hiện nay tín dụng xanh đang là lĩnh vực mà ACB đẩy mạnh và tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xanh.
"Nếu năm 2023, chúng tôi chỉ giải ngân dưới 100 tỷ cho gói tín dụng xanh thì từ đầu năm 2024 đến nay đã giải ngân gần 1.500 tỷ và trong tương lai sẽ đẩy gói tín dụng xanh lên quy mô 3.000-5.000 tỷ”, ông Huy nói.
Ông chia sẻ thêm, ACB đang làm việc với nhiều quỹ đầu tư quốc tế - những người đang quan tâm và muốn làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững. Tuy nhiên, câu chuyện còn lại là các doanh nghiệp làm sao đáp ứng điều kiện của họ để cùng với ACB tận dụng các nguồn quỹ này.
Các chuyên gia cũng đánh giá hiện nay, việc triển khai tín dụng xanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Không ít doanh nghiệp rất khó tiếp cận các nguồn vốn xanh. Quá trình theo dõi phát triển thị trường tài chính xanh, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam thấy rằng, trong việc triển khai tín dụng xanh, thách thức hiện hữu nhất là rào cản về lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, hiệu quả tài chính chưa cao, các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro,... dẫn đến khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quy trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát hoạt động tín dụng xanh.
Từ thực tế tại doanh nghiệp của mình, bà Nguyễn Thị Hải Bình, tổng giám đốc STP Group cho biết nhằm bảo tồn môi trường biển nhiều doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản muốn chuyển đổi sang lồng bè bằng nhựa HDPE - có khả năng tái chế cao và có thể chịu được sức công phá lớn của bão. Tuy nhiên, chi phí chuyển đổi quá đắt, trong khi việc vay vốn để đầu tư cũng khó vì đa phần bà con không có tài sản đảm bảo để thế chấp cho khoản vay. Thậm chí một số doanh nghiệp được cấp “sổ xanh” trên biển 30 năm muốn thế chấp để vay vốn ngân hàng cũng từ chối vì rủi ro cao.
Ngân hàng muốn cho vay nhưng không biết "thế nào là xanh"
Mặc dù luôn khuyến khích nhà băng cấp tín dụng xanh, nhưng bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN cũng thừa nhận có nhiều khó khăn khi đẩy vốn vào lĩnh vực này. Các tổ chức tín dụng vẫn vướng mắc vì thiếu hướng dẫn về phân loại xanh. Ngành ngân hàng đang chờ quy định về phân loại danh mục xanh từ Chính phủ, từ đó kỳ vọng có thể đẩy mạnh vốn hơn vào lĩnh vực này.
“Trước nay, lãnh đạo các ngân hàng nói ngày càng tập trung vào chiến lược tăng thị phần tín dụng xanh, nhưng họ cũng cho biết hiện chưa có quy chuẩn đồng bộ về thế nào là tín dụng xanh”, bà Hồng cho hay.
Bên cạnh việc thiếu tiêu chuẩn đồng bộ, Thống đốc cũng nêu vấn đề khó khăn khi đầu tư xanh, như năng lượng tái tạo cần nguồn vốn lớn và kỳ hạn dài, trong khi phần lớn huy động của ngành ngân hàng là kỳ hạn ngắn. Ngoài ra, kiến thức về tín dụng xanh của các nhân viên ngân hàng cũng đang hạn chế.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết các tổ chức tín dụng nói chung hay Agribank nói riêng có thể lựa chọn các giải pháp cho vay có đảm bảo hay không bảo đảm. Ngân hàng cho vay có bảo đảm tức là phải tuân thủ các quy định về bảo đảm tiền vay.
Ví dụ trường hợp của STP Group, bà Bình cho hay trang trại, lồng bè trên biển là tài sản mới, đấy là tài sản cơ sở vật chất được đầu tư để bà con nuôi trồng trên biển nhưng hiện chưa có đơn vị nào công nhận đó là tài sản nên Agribank không làm được thủ tục về tài sản thế chấp.
"Nếu có quy định rằng các tài sản như nhà kính, lồng bè được dùng làm tài sản thế chấp, chúng tôi sẵn sàng nhận, nhưng quy định không cho phép thì ngân hàng rất khó trong cho vay", Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ.
Theo khuyến nghị của chuyên gia ADB, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh. Chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Chính phủ có thể có những bước đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh.
Thanh Hoa