1. Tài chính

Doanh nghiệp có thể tiếp cận 'vốn xanh' từ ngân hàng

Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng bình quân 22%

Thông tin tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (19/11/2024), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một thách thức rất lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, đảm bảo thực hiện tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị).

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Báo Đầu tư

Với ngành Ngân hàng Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, từ năm 2015, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Chỉ thị đặt ra mục tiêu ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Thống kê từ Vụ tín dụng Các ngành kinh tế (NHNN), giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung vào ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh.

Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Việc thực thi ESG trong lĩnh vực ngân hàng gần đây có nhiều bước tiến đáng kể, từ việc xây dựng khung khổ pháp lý tới các chương trình hành động cụ thể như nâng cao chất lượng quản trị hướng tới chuẩn mực quốc tế cao, chuyển đổi số, tín dụng xanh, áp dụng cơ chế đánh giá rủi ro môi trường với các khoản vay…

VietinBank đã ký biên bản hợp tác với MUFG tại Hội nghị COP28 thu xếp 1 tỷ USD cho các dự án phát triển bền vững. Ngân hàng cam kết Gói tiền gửi xanh, tài chính xanh trị giá 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phát triển bền vững. Tại ACB, có gói tín dụng xanh hơn 2.000 tỷ đồng đã giải ngân hết, gồm khách hàng doanh nghiệp xanh, và chưa xanh nhưng cần vốn để xanh hơn (cải thiện hệ thống xử lý nước thải, dây chuyền sản xuất tiết kiệm năng lượng, cải thiện hệ thống lọc không khí…).

Theo đại diện Công ty CP Quản lý quỹ HD (HDCapital), các công ty trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thường có hoạt động IR tốt hơn so với một số lĩnh vực khác như bất động sản hay xây dựng. Về xu hướng ESG, ông Long đưa ra dẫn chứng con số ấn tượng, có khoảng 140.000 tỷ USD đang chảy vào các quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu, gấp 5 lần GDP của Mỹ. Đây là lượng vốn khổng lồ và có thể làm thay đổi bức tranh của một ngành.

Hoàn thiện tiêu chí phân loại dự án xanh

Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cơ bản hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm định hướng các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động ngân hàng xanh hướng đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. NHNN đã phối hợp với Công ty tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng. Đáng chú ý là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường (2020).

Đến cuối năm 2023, 100% các ngân hàng thương mại (NHTM) đã xây dựng quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; 17 NHTM có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Mặc dù vậy, việc áp dụng ESG trong hoạt động của các TCTD Việt Nam vẫn đang ở những bước khởi đầu và gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, như hành lang pháp lý cho ESG đang trong quá trình hoàn thiện, ESG đối với nhiều doanh nghiệp và các TCTD vẫn là khái niệm mới, nhận thức hạn chế về ESG;... Ngoài ra, quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững đòi hỏi các TCTD phải sở hữu tiềm lực tài chính nhất định để đầu tư cho công nghệ, đào tạo nhân viên, xây dựng cơ sở dữ liệu...

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã nêu lên nhiều khó trong việc tiếp cận nguồn vốn xanh nhưng do chưa có danh mục phân loại dự án xanh nên các ngân hàng, các quỹ tài chính không thừa nhận để rót vốn.

Trong vài trò là nhà đầu tư, đại diện một số định chế nước ngoài cũng cho rằng, nếu có có tiêu chuẩn xanh rõ ràng thì tỷ lệ rót vốn vào các dự án xanh ở Việt Nam còn cao hơn nữa.

Trước những cơ hội và thách thức nêu trên, đại diện NHNN cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD như: ban hành Danh mục phân loại xanh; đề xuất các công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ESG và hoạt động bền vững (công cụ thuế, chính sách đất đai...);...

Đồng thời, theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích các TCTD áp dụng ESG, tập trung nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, như: chính sách tái cấp vốn/tái chiết khấu, ưu tiên hỗ trợ các TCTD có tỷ trọng tín dụng xanh cao tiếp cận các nguồn lực quốc tế; khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt…

Phía NHNN cũng kiến nghị tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn vốn trong triển khai ESG và đầu tư cho các dự án xanh.

Trâm Anh

Tin khác