'Đổ đi' cả tạ thịt, cô gái Mường khởi nghiệp thành công với món ăn nổi tiếng Phú Thọ
Nhắc đến sản phẩm thịt chua Trường Foods có lẽ nhiều người cũng biết đến cái tên Nguyễn Thị Thu Hoa - cô gái người Mường năm nay tròn 30 tuổi.
Chị Hoa mới chỉ tốt nghiệp THPT nhưng nhờ bản lĩnh dám làm, dám tìm tòi, dám đổi mới và kiên định với những gì mình chọn nên chị mới đạt được thành công, tạo công việc cho hàng trăm người lao động ở khu vực Phú Thọ.
Nói về hành trình khởi nghiệp của mình, chị Hoa cho biết khi các bạn cùng trang lứa còn đi học, đi chơi thì 18 tuổi chị đã lập gia đình.
Sau khi về nhà chồng, chị cùng với hai người chị chồng được mẹ chồng truyền lại cho nghề làm thịt chua truyền thống của gia đình, thời điểm đó ở Phú Thọ mới có rất ít nhà làm thịt chua.
“Lúc đó, mỗi ngày gia đình chồng tôi chỉ làm có vài chục hộp và làm thịt chua không có công thức. Tôi được truyền cho nghề làm thịt chua nhưng chỉ được áng công thức theo kiểu "1 nắm, 2 nắm, 1 bốc, 2 bốc".
Chính vì không có công thức nhất định nên chất lượng không được đồng đều, lúc thì bị khách hàng kêu hộp thịt nhạt quá, rồi chua hay hơi ngọt.
Tôi nghĩ rằng muốn làm lâu dài thì chất lượng phải ổn định và tôi bắt đầu tập trung toàn bộ nguồn lực cũng như thời gian để tìm công thức chuẩn cho thịt chua hàng loạt nhưng phải giữ được hương vị truyền thống” chị Hoa kể.
Chị Hoa cho biết, thịt chua khác những sản phẩm khác là lên men từ thính và nhiệt độ, phải chọn loại thịt mới mổ cầm trên tay còn nóng.
Và chị Hoa đã mất gần 2 năm và phải đến vài chục lần thay đổi công thức cũng như gia vị. Trong quá trình này không biết bao nhiêu mẻ thịt đổ đi vì sản phẩm thử nghiệm làm ra không ăn nổi, thậm chí cho những người nuôi cá họ cũng không muốn lấy.
Đến năm 2011, với số tiền thu được là lợi nhuận nửa năm, chị Hoa dành cả cho việc thí nghiệm ra công thức chuẩn.
“Tôi không đếm nổi bao nhiêu lần có 2-3 ngày không ngủ, hoặc không đếm nổi bao nhiêu ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng trong cả quá trình thử nghiệm sản phẩm và cải tiến quy trình sản xuất máy móc.
Sau hàng trăm lần thử nghiệm công thức tôi biết được rằng thịt nạc mông và nạc thăn để làm thịt chua là có chất lượng tốt nhất.
Cứ thế, sau hơn 1 năm tìm được công thức sản xuất tôi bắt đầu tăng sản lượng và xác định thời gian đầu phải lỗ, phải cải tiến chất lượng vì biết khẩu vị người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn”, chị Hoa nói.
Sau khi cải tiến chất lượng, chị Hoa tiến tới cải tiến bao bì, mẫu mã. Chị tự vẽ logo, đặt mục tiêu cho hành trình tiếp theo và bằng mọi cách phải cố gắng đạt cho bằng được, cứ thế cô gái 9X vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê với ẩm thực truyền thống.
Thời gian đó chị còn bị say xe, xuống Hà Nội mới mua được máy thái thịt, trộn bì, chỉ cần xếp quần áo vào vali là chị Hoa lại nôn nao, có giai đoạn phải đi xe ôm từ Phú Thọ xuống Hà Nội rồi sau đó phải quay về ngay trong ngày vì con còn nhỏ.
Sau nhiều năm cố gắng, đến năm 2012, chị đã tìm ra được công thức sản xuất thịt chua như ngày nay mà không thay đổi chất lượng, khẩu vị gốc. Nhờ đó, sản lượng sản xuất đã tăng lên gấp 3 - 4 lần, sản lượng xuất xưởng trung bình là 200 hộp/ngày.
Nhưng với mong muốn để đưa thịt chua tiến xa hơn, chị Hoa mạnh dạn từ bỏ thương riêng của nhà chồng để tự gây dựng thương hiệu mới của cá nhân với tên gọi mới Trường Foods mang ý nghĩa ẩm thực trường tồn.
Tuy nhiên, một vấn đề nữa là sản xuất nhiều mà không bán hết thì bảo quản sản phẩm thế nào. Bởi đại lý, nhà phân phối phản ánh khi nhập sản phẩm về chỉ được khoảng 6 - 7 ngày thì hàng bắt đầu mốc, không bán được. Vì thế, việc cần thiết là phải tăng thời gian bảo quản sản phẩm.
"Tôi đã thử dùng đến hơn 10 loại chất bảo quản và đều tự mình thử. Tuy nhiên, mỗi lô sản phẩm tôi thử đều thấy thay đổi mùi vị. Đồng thời, tôi cũng lo sợ, khi không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng quay lưng vì thế nên tôi đặt mục tiêu, không dùng chất bảo quản”, chị Hoa chia sẻ.
Sau khi cân nhắc, chị Hoa đã không lựa chọn chất bảo quản thực phẩm cho thịt chua. Thay vào đó, chị dành thời gian để tìm hiểu cách bảo quản của các sản phẩm khác. Bởi chị thấy rằng, nhiều sản phẩm có thể bảo quản được rất lâu.
Thời gian ấy, ngày nào chị Hoa cũng vào siêu thị mua đồ hộp, có những lần mua cả đống thực phẩm hộp chế biến sẵn mang về nghiên cứu.
Sau cùng, chị đã phát hiện và ứng dụng màng seal. Đây là một miếng dán được dùng để lót hoặc làm kín miệng lọ, hộp. Lớp màng seal này giúp tăng thời gian bảo quản thịt chua lên gấp đôi đúng như kỳ vọng.
“Tôi cứ nghĩ là làm, chỉ tốt nghiệp THPT, không được học qua các ngành kinh tế, thực phẩm nên tôi nghĩ gì là làm nấy và nếu làm sai thì rút ra bài học, nếu làm đúng sẽ có kết quả”, chị Hoa nói.
Và sau nhiều nỗ lực hiện nay thương hiệu Thịt chua Trường Foods đã có chỗ đứng trên thị trường nhờ chất lượng, mang đậm hương vị thịt chua truyền thống.
Hiện cơ sở của chị có khoảng 80 công nhân, sản phẩm có mặt tại 7.000 điểm bán hàng với 10.000-15.000 nghìn sản phẩm được sản xuất mỗi ngày.
Chị Hoa đặt ra mục tiêu vài năm tới, khi nhắc đến thịt chua thì người tiêu dùng nhớ ngay đến Trường Food.
Hoàng Thanh