Liên tiếp giành quán quân công ty uy tín ngành bán lẻ, Central Retail tăng trưởng thế nào tại Việt Nam 2 năm qua?
Top 10 Công ty uy tín ngành bán lẻ là bảng xếp hạng được công bố thường niên dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) kể từ năm 2012.
Năm nay, các doanh nghiệp được vinh danh trong danh sách Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ đều là những đại diện hoạt động hiệu quả, giàu kinh nghiệm, có vị thế trong ngành, có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn ngành và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng trên thị trường giai đoạn 2021-2022.
Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2022 được xây dựng dựa theo 3 tiêu chí là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng và kết quả khảo sát các đối tượng có liên quan.
Năm 2022 là lần thứ 2 liên tiếp Central Retail bước lên vị trí quán quân trong bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín, sau lần đầu tiên năm 2021.
Central Retail là Tập đoàn bán lẻ đa mô hình, đa lĩnh vực tại Thái Lan, Việt Nam và Ý, hoạt động trong ba phân khúc kinh doanh chủ đạo là Thời trang, Đồ gia dụng và Thực phẩm. Các phân khúc này được xây dựng trên nhiều mô hình bán lẻ đa dạng hàng hóa sản phẩm nhằm cung cấp trải nghiệm khác biệt về mạng lưới cửa hàng, dịch vụ hàng hóa, chiến lược thương hiệu và định vị trên thị trường.
Chính thức tham gia thị trường Việt Nam năm 2012, Central Retail tập trung vào 3 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Thực phẩm; Phi thực phẩm; Trung tâm thương mại/Bất động sản; với các thương hiệu như GO!, Big C, Tops Market, Lan Chi Mart, Nguyen Kim, Supersports, LookKool, Kubo, BIPBIP, Robins…
Đặc biệt, kế thừa mô hình bán lẻ đa kênh đã áp dụng thành công tại Thái Lan, Central Retail đã xây dựng nền tảng bán hàng đa kênh cho mảng kinh doanh Thực phẩm, mang lại doanh số chiếm hơn 8% tổng doanh số của Central Retail tại Việt Nam.
Đến nay, Central Retail đã có hơn 300 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại tại 40 tỉnh thành trên cả nước, với tổng diện tích bán lẻ hơn 1.000.000 m2, phục vụ hơn 390.000 khách hàng mỗi ngày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 15.000 người lao động.
Theo báo cáo của Euromonitor, Central Retail cũng là nhà bán lẻ chiếm thị phần cao nhất trong mảng Đại siêu thị tại Việt Nam (62%), và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong thị phần Trung tâm thương mại. Riêng năm 2021-2022, Tập đoàn đã khai trương 4 trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! tại Thái Nguyên, Bà Rịa, Thái Bình và Lào Cai; đồng thời chuyển đổi 8 đại siêu thị Big C thành đại siêu thị GO! và chuyển đổi 7 siêu thị Big C thành siêu thị Tops Markets.
Tại Lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Việt Nam của Central Retail diễn ra tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã bày tỏ đánh giá cao đối với sự tiên phong đi đầu của Tập đoàn trong việc quảng bá, tạo cơ hội thúc đẩy cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân Việt Nam. Đáng chú ý, qua 5 năm triển khai (2016-2021), Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan do Central Retail phối hợp cùng Bộ Công Thương đồng đăng cai tổ chức đã kết nối hơn 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam quảng bá sản phẩm địa phương sang thị trường Thái Lan.
Mới đây nhất, Tập đoàn Central Retail đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 30 tỷ baht (tương đương 20.000 tỷ đồng) tại Việt Nam trong 5 năm tới (2022-2026).
Với kế hoạch này, Central Retail đặt ra những mục tiêu khá tham vọng là trở thành nền tảng đa kênh số 1 trong lĩnh vực Thực phẩm và kinh doanh Trung tâm thương mại tại Việt Nam, phát triển mở rộng trên 55 tỉnh thành Việt Nam. Tập đoàn cũng đặt mục tiêu kết quả kinh doanh đạt 100 tỷ baht (tương đương 65.000 tỷ đồng) và tăng gấp đôi tỷ lệ doanh thu từ các nền tảng bán hàng đa kênh đạt mức 15%.
“Chúng tôi rất lấy làm vinh dự khi hai năm liên tiếp được một tổ chức xếp hạng uy tín như Vietnam Report vinh danh ở vị trí quán quân trong Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ. Thành quả này càng có ý nghĩa nhân dịp Central Retail kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Việt Nam, và đây cũng là sự ghi nhận cho những nỗ lực của đội ngũ 15.000 nhân viên của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam trong suốt năm qua. Đặc biệt, chúng tôi xin bày tỏ sự tri ân đến người tiêu dùng đã luôn ủng hộ, tin tưởng và lựa chọn sử dụng dịch vụ của chúng tôi mỗi ngày.
Central Retail rất tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ không ngừng cải thiện nâng cấp chất lượng dịch vụ, đồng thời phát triển mở rộng thêm các Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị mới, để có thể đáp ứng lại sự tin dùng của khách hàng”, ông Olivier Langlet - Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam chia sẻ.
Theo Vietnam Report, là quốc gia châu Á duy nhất được Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng mức dự báo tăng trưởng GDP đáng kể trong năm 2022, Việt Nam đang là điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế u ám toàn cầu, vững vàng kiên định và phục hồi mạnh mẽ kể từ đợt suy giảm do làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 vào thời điểm này năm ngoái.
Sự hồi phục diễn ra tại hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, trong số đó có ngành Thực phẩm - Đồ uống, với doanh thu được cải thiện tích cực ở tất cả các kênh phân phối và tiêu thụ.
Vietnam Report nhận định, động lực tăng trưởng của ngành trong giai đoạn qua đến từ hai nguồn chính: sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa và xu hướng dịch chuyển từ các kênh truyền thống sang hiện đại được định hình bởi giới trẻ.
Trái ngược với tình trạng ảm đạm khi hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa nhằm thực hiện giãn cách xã hội cách đây một năm, thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại trong nhịp sống của bình thường tiếp theo. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ bản, xu hướng phát triển của ngành vẫn dựa trên những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng sau đại dịch và khả năng ứng dụng số hóa trên diện rộng toàn ngành, nổi bật là: (i) bán hàng trực tuyến trên các kênh truyền thông xã hội sẽ bùng nổ; (ii) cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng để tăng tính tương thích giữa sản phẩm và nhu cầu khách hàng; (iii) bán hàng đa kênh tiếp tục nở rộ nhờ ưu điểm làm tăng trải nghiệm mua sắm liền mạch không gián đoạn cho người tiêu dùng.
Sự phục hồi của các ngành hàng trọng điểm đã đóng góp không nhỏ vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch, với mức tăng trưởng GDP quý 3/2022 vượt dự báo 13,7% so với cùng kì năm trước.
Thy Thảo