Dò cổ phiếu có dư địa tăng tốt
Lợi nhuận quý III sẽ phân hóa mạnh
Chọn đầu tư vào cổ phiếu BAF của doanh nghiệp có hoạt động chính là chăn nuôi lợn với kỳ vọng lợi nhuận quý III/2024 sẽ tăng tưởng tốt, nhà đầu tư Trần Xuân Bách cho biết, chỉ trong 1 tháng, giá cổ phiếu tăng từ 18.000 đồng/cổ phiếu lên 22.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng khoảng 20%, cao hơn nhiều lần so với mức tăng của VN-Index.
Theo ông Bách, quý II/2024, BAF ghi nhận lợi nhuận sau thuế 35 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, lũy kế 6 tháng đầu năm nay đạt 154 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm 2023. Hiện BAF chưa công bố báo cáo tài chính quý III, nhưng thông tin từ đại diện doanh nghiệp cho thấy, lợi nhuận duy trì được mức tăng trưởng 3 con số. Bên cạnh đó, việc ký kết hợp tác chiến lược với Muyan (Trung Quốc) trong tháng 9/2024 mang lại triển vọng tích cực khi BAF kỳ vọng sẽ tiết kiệm chi phí sử dụng đất đến 4 lần nhờ tiếp nhận công nghệ nuôi lợn trong nhà cao tầng.
Thực tế, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận quý III/2024 của không ít nhóm ngành nói chung, doanh nghiệp nói riêng dần được phản ánh vào giá cổ phiếu. Điển hình như nhóm ngân hàng, hàng loạt cổ phiếu như ACB, MBB, STB… ghi nhận diễn biến tăng giá từ trung tuần tháng 9 đến nay. Ở một số nhóm ngành khác, có những mã đầu ngành được dự báo lợi nhuận sau thuế quý III tăng mạnh cũng như “ấp ủ” một số câu chuyện riêng phía trước như FPT, MSN… đã được cả nhà đầu tư nội và ngoại đồng thuận “kéo” vượt các mức cản cũ với thanh khoản tăng mạnh.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán VietinBank dự báo, kết quả kinh doanh quý III năm nay của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phân hóa mạnh, nhưng tổng thể là tăng trưởng, được thúc đẩy chủ yếu bởi ngành ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng tiếp tục được cải thiện. Nhóm chứng khoán có nền so sánh khá thấp từ diễn biến tiêu cực trong cùng kỳ năm ngoái, nhưng thanh khoản thị trường chứng khoán giảm mạnh và hoạt động tự doanh hiếm có khoản lợi nhuận tốt khiến lợi nhuận của nhóm chứng khoán dự kiến chỉ tăng khoảng 5%. Lợi nhuận của nhóm bất động sản chưa có nhiều tín hiệu cải thiện khi thị trường đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, đồng thời nguồn cung mới với giá bán hợp lý hơn vẫn còn hạn chế. Lợi nhuận của nhóm xuất khẩu như dệt may, thủy sản dự kiến sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt, mức tăng khoảng 8%, nhờ nhu cầu tiêu dùng dần phục hồi tại thị trường Trung Quốc và Mỹ ban hành kết luận sơ bộ trong cuộc rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 20 (POR 20), cho phép thêm 8 doanh nghiệp được hưởng thuế suất bằng 0.
Quý III/2024, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến thấp hơn so với quý II do mức nền thấp của cùng kỳ năm trước hầu như không còn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán
Phân bón, bán lẻ, ngân hàng, bất động sản công nghiệp, logistics, năng lượng là những nhóm ngành được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý III/2024.
Agribank đánh giá, động lực tăng trưởng lợi nhuận quý III năm nay tới từ hoạt động thương mại quốc tế có nhiều khởi sắc, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp tiết kiệm chi phí lãi vay, nguồn vốn tăng cao ở quy mô thị trường so với cùng kỳ tạo cơ sở cải thiện năng lực hoạt động và công suất sản xuất.
Phân bón và bán lẻ nhiều khả năng là 2 nhóm có lợi nhuận tăng trưởng tích cực nhất trong quý III/2024, nhờ nhu cầu được kích thích hồi phục và mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Với nhóm ngân hàng, tín dụng tăng trưởng, biên lãi ròng cải thiện là yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng. Nhóm logistics cũng được kỳ vọng có ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ hoạt động xuất khẩu sôi động và giá cước vận tải biển duy trì ở mức cao.
Tìm cổ phiếu còn dư địa
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán MB nhận xét, 2 nhóm ngành được dự báo có lợi nhuận tăng trưởng tốt trong quý III/2024, nhưng cổ phiếu chưa có sự tăng giá mạnh nên vẫn còn nhiều dư địa tăng giá, đó là bất động sản công nghiệp và năng lượng.
Theo ông Dũng, nhóm bất động sản công nghiệp có thể ghi nhận lợi nhuận tăng 169% trong quý III/2024, trong đó 70% số lượng doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trung bình toàn thị trường (ước tính tăng 19,5%). Kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhờ dòng vốn FDI tích cực, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, vốn đăng ký và giải ngân lần lượt tăng 11,6% và 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng lợi nhuận ròng quý III năm nay sẽ có sự chênh lệch rõ nét giữa các doanh nghiệp khu công nghiệp do thời điểm bàn giao đất khác nhau. Tính chung 9 tháng, các doanh nghiệp có thể ghi nhận kết quả kinh doanh cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp có mảng cao su được hỗ trợ từ giá cao su thế giới tăng mạnh kể từ đầu năm. Đến hết quý III, giá cao su tăng khoảng 35%, do nguồn cung thiếu hụt bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi cho thu hoạch ở các quốc gia hàng đầu về sản lượng cao su, diện tích trồng cao su liên tục bị cắt giảm trong khi nhu cầu cao su tăng. Mới đây, Trung Quốc ban hành các gói chính sách kích thích kinh tế, nhu cầu cao su được kỳ vọng tiếp tục tăng. Điều này giúp kết quả kinh doanh của các công ty khu công nghiệp có mảng cao su sẽ tích cực hơn trong quý IV như GVR, PHR.
Với nhóm ngành năng lượng, lợi nhuận ròng toàn ngành trong quý III/2024 có thể tăng trưởng 322%, trong đó khoảng 90% số lượng doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao hơn bình quân toàn thị trường.
Tỷ giá giảm là yếu tố tác động tích cực đến lợi nhuận ngành năng lượng. Tính đến cuối quý III/2024, tỷ giá USD/VND giảm 3,5% so với cuối quý II, trong khi cơ cấu vốn vay của các doanh nghiệp ngành điện được tài trợ một phần lớn bằng đồng USD, do đó các doanh nghiệp điện sẽ có thể ghi nhận lãi tỷ giá trong quý III.
Về hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhu cầu điện tính đến hết tháng 8/2024 tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kế hoạch của Bộ Công thương đề ra từ đầu năm là tăng 9%, giúp các nhà máy điện được huy động nhiều hơn. Trong bối cảnh mưa nhiều trên toàn quốc và thủy văn thuận lợi, nhóm thủy điện dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực nhất trong quý III/2024. Tính riêng tháng 7 và tháng 8, sản lượng thủy điện tăng khoảng 39% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp thủy điện đều hưởng lợi, dù giá huy động giảm.
Về mặt chính sách, trong thời gian tới, dự kiến Nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ được Chính phủ ban hành, trong khi đó, Luật Điện lực (sửa đổi) và các chính sách quan trọng như chính sách giá năng lượng tái tạo có thể sớm được thông qua/ban hành.
“Có thể có một đợt tăng giá điện vào cuối năm nay, qua đó tiếp tục hỗ trợ cho tình hình tài chính của EVN và cải thiện khả năng thanh toán và đầu tư mới của EVN, là một dấu hiệu tốt cho triển vọng của các doanh nghiệp ngành năng lượng đang niêm yết”, ông Dũng nói.
Với nhà đầu tư Nguyễn Xuân Bách, mặc dù nhìn nhận nhiều cổ phiếu và nhóm ngành đã có sự phản ánh vào giá trước kỳ công bố kết quả kinh doanh quý III/2024, nhưng nhà đầu tư này vẫn nắm giữ 70% tỷ trọng là cổ phiếu trong danh mục. Hiện tại, ông Bách đang xem xét mua cổ phiếu bất động sản, tập trung vào những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, quỹ đất lớn, lợi nhuận có triển vọng hồi phục rõ ràng như VHM, NTL, HDG, KDH.
Đối với nhóm ngân hàng, thời gian qua có sóng tăng, nhưng cơ hội đầu tư vẫn còn. Theo ông Lâm Gia Khang, sự phân hóa sẽ diễn ra, nhưng các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt sẽ có dư địa tăng trưởng tích cực. Những ngân hàng đã hoàn thành 80% chỉ tiêu tín dụng giao năm 2024 được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm “room”, mức tăng phổ biến nằm trong khoảng 2 - 2,5%. Đây chính là động lực giúp tăng trưởng tín dụng tính đến tuần cuối tháng 9 đạt 7,78%, tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoàng Anh