1. Tài chính

Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 4-8/11

Điểm lại thông tin kinh tế

Tổng quan

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, thế giới chờ đợi những động thái mới từ nhà lãnh đạo quyền lực này trong thời kỳ 2025-2028.

Sau 4 năm đặt mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”, từ 2017-2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để lại nhiều hoạt động kinh tế, chính trị đáng chú ý. Cụ thể, trong suốt những năm cầm quyền, Tổng thống Trump liên tiếp bày tỏ quan điểm mong muốn môi trường lãi suất thấp, nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng hoạt động, tạo ra nhiều việc làm hơn.

Tiếp theo, trong thời kỳ chiến tranh thương mại bùng nổ, từ tháng 03/2018 cho tới đầu năm 2019, Tổng thống Trump đã áp thuế lên khoảng 370 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung quốc (15% và 25% tùy loại mặt hàng).

Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng đáp trả bằng cách áp thuế lên 185 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ (10% và 25% tùy loại mặt hàng). Ngoài ra, Washington cũng áp lệnh trừng phạt lên nhiều công ty hàng đầu của Trung Quốc, đáng kể nhất là lệnh cấm vận đối với tập đoàn viễn thông Huawei.

Tiếp theo, cựu Tổng thống Mỹ đã đẩy mạnh điều tra và đưa ra những kết luận về “thao túng tiền tệ” đối với một số nước có quan hệ thương mại “bất thường” với Mỹ, trong đó có cả Việt Nam. Về chính trị, ông Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, chuyển sang tình trạng đối đầu thông qua các gói cấm vận và trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Mặc dù vậy, năm 2019, Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo tối cao Mỹ đầu tiên đặt chân lên Triều Tiên, đồng thời tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tuy chưa đạt được các mục tiêu cụ thể, nhưng động thái trên đã phần nào xoa dịu căng thẳng Mỹ - Triều và mở ra con đường đàm phán ngoại giao cho 2 bên.

Như vậy, sau 4 năm cầm quyền 2017-2020, những chính sách bất ngờ phá vỡ các quy chuẩn của Tổng thống Trump khiến thế giới trở nên nghi ngờ về mối quan hệ đồng minh hay kẻ thù của nước Mỹ, tuy nhiên có thể khẳng định cuộc đối đầu Mỹ - Trung luôn rõ nét và xuyên suốt, ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế - chính trị toàn cầu.

Tại cuộc đua cho nhiệm kỳ lần này, Tổng thống Donald Trump đại diện Đảng Cộng hòa đã chiến thắng đối thủ Kamala Harris của Đảng Dân chủ, với 312 so với 226 phiếu đại cử tri đoàn, và 75 triệu so với 71 triệu phiếu phổ thông. Bên cạnh đó, Đảng Cộng hòa Mỹ hiện đã chiến quyền kiểm soát Thượng viện (dành được 53 so với 46 ghế của Đảng Dân chủ trên tổng 100 ghế), và tạm thời chiếm ưu thế tại Hạ viện (213 ghế so 202 ghế trên tổng 435 ghế).

Trong suốt chiến dịch tranh cử, cựu Tổng thống Mỹ đề xuất áp thuế 10-20% với hàng nhập từ các nước, riêng Trung Quốc là 60%. Thông điệp này của ông Trump một lần nữa khiến thế giới lo ngại về chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ suy yếu, kể cả các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, ông cũng cam kết sẽ cắt giảm các loại thuế doanh nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD và đưa ra nhiều ưu đãi đối với các công ty chọn Mỹ là nơi để sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, ông Trump hứa sẽ chấm dứt lạm phát bằng cách khai thác dầu thô nhiều hơn, theo đó lãi suất có thể giảm và mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đối với vấn đề ngoại giao, Tổng thống Mỹ khẳng định nước này cần thoát khỏi các cuộc xung đột không cần thiết tại một số nơi trên thế giới, đồng thời phát biểu có thể chấm dứt xung đột tại Ukraine thông qua một thỏa thuận thương lượng với Nga. Những thông điệp trên của vị tân Tổng thống Mỹ một lần nữa gây ra những nhận định trái chiều về triển vọng kinh tế thế giới giai đoạn 2025-2028.

Đối với Việt Nam, rất có khả năng nền kinh tế nước ta sẽ gặp nhiều rung lắc trong những năm tới, do độ mở kinh tế lớn và thặng dư thương mại với Mỹ ngày càng cao. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, Việt Nam những năm gần đây liên tục thành công trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, và chưa có lý do gì thuyết phục rằng xu hướng này sẽ thay đổi.

Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 4-8/11

Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 4-8/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 08/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.278 VND/USD, tăng 36 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD và giá bán USD ở mức 25.450 VND/USD.

Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 4-8/11 biến động tăng - giảm đan xen. Kết thúc phiên 08/11, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.275, giảm nhẹ 19 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 3 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại. Chốt phiên 08/11, tỷ giá tự do giảm 190 đồng ở chiều mua vào trong khi tăng 10 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.500 VND/USD và 25.800 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, tuần từ 4-8/11, lãi suất VND liên ngân hàng tăng rất mạnh phiên đầu tuần rồi giảm dần trở lại sau đó. Chốt ngày 08/11, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,57% (+0,60 điểm phần trăm); 1 tuần 4,67% (+0,47 điểm phần trăm); 2 tuần 4,77% (+0,47 điểm phần trăm); 1 tháng 4,88% (+0,51 điểm phần trăm).

Lãi suất USD liên ngân hàng ở tất cả các kỳ hạn trong tuần biến động nhẹ 4 phiên đầu tuần, phiên cuối tuần giảm mạnh. Phiên 08/11, lãi suất USD liên ngân hàng, giao dịch tại: qua đêm 4,61% (-0,22 điểm phần trăm); 1 tuần 4,68% (-0,20 điểm phần trăm); 2 tuần 4,73% (-0,18 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,76% (-0,17 điểm phần trăm).

Trên thị trường mở tuần qua, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 90.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 89.999,91 tỷ đồng trúng thầu, có 33.999,91 đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 3.950 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 4 phiên đầu tuần ở mức 3,90%, phiên cuối tuần tăng lên mức 4,0%. Có 13.400 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.

Như vậy, NHNN bơm ròng 65.450 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 89.999,91 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 76.650 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.

Thị trường trái phiếu, ngày 06/11, Kho bạc nhà nước đấu thầu thành công 6.099 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 61%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 1.000 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 5.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30 năm huy động được 99 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 15 năm và 20 năm gọi thầu lần lượt 1.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5 năm là 1,90% (+0,01 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước đó), 10 năm là 2,66% (không đổi) và 30 năm là 3,10% (không đổi).

Trong tuần này, ngày 13/11, Kho bạc nhà nước dự kiến chào thầu 10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.323 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 11.728 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua biến động tăng – giảm đan xen. Chốt phiên 08/11, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,85% (+0,004 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,85% (-0,01 điểm phần trăm); 3 năm 1,89% (+0,02 điểm phần trăm); 5 năm 1,93% (+0,02 điểm phần trăm); 7 năm 2,22 % (+0,02 điểm phần trăm); 10 năm 2,73% (+0,03 điểm phần trăm); 15 năm 2,94% (+0,04 điểm phần trăm); 30 năm 3.16% (không đổi).

Thị trường chứng khoán, tuần từ 4-8/11, tiếp tục trạng thái lình xình, các chỉ số tăng – giảm đan xen. Kết thúc phiên 08/11, VN-Index đứng ở mức 1.252,56 điểm, giảm nhẹ 2,33 điểm (-0,19%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,47 điểm (+0,65%) lên 226,88 điểm; UPCoM-Index nhích 0,19 điểm (+0,21%) đạt mức 92,15 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 14.200 tỷ đồng/phiên, giảm từ mức 15.800 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 3.700 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục hạ lãi suất chính sách lần thứ 2 trong năm 2024, đồng thời quốc gia này cũng ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Trong cuộc họp kéo dài 2 ngày 06-07/11, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, thuộc Fed) cho rằng các chỉ báo gần đây cho thấy kinh tế Mỹ tiếp tục mở rộng vững chắc. Thị trường lao động nhìn chung đã nới lỏng và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, nhưng vẫn ở mức thấp. Lạm phát đã đạt được những tiến bộ trong quá trình hướng tới mục tiêu 2,0% của Fed, nhưng vẫn ở mức cao.

FOMC nhận định những rủi ro về lạm phát và thị trường việc làm đang gần như cân bằng, triển vọng kinh tế là không chắc chắn, và Fed sẽ chú ý tới nhiệm vụ kép của mình là đạt được toàn dụng lao động và giúp lạm phát về mức mục tiêu 2% một cách bền vững. Để hỗ trợ các mục tiêu trên, FOMC quyết định hạ lãi suất chính sách 25 đcb, từ mức 4,75% - 5,0% xuống còn 4,50% - 4,75%. FOMC sẽ tiếp tục theo dõi những dữ liệu tiếp theo về kinh tế để có lập trường chính sách tiền tệ phù hợp.

Liên quan đến kinh tế Mỹ, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tại nước này ở mức 56,0% trong tháng 10, tăng lên từ 54,9% của tháng trước đó và trái với dự báo giảm xuống còn 53,8%.

Tiếp theo, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 01/11 ở mức 221 nghìn đơn, tăng nhẹ từ mức 218 nghìn đơn của tuần trước đó và gần khớp với dự báo ở 223 nghìn. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 227,25 nghìn, giảm 9,75 nghìn so với trung bình 4 tuần liền trước.

Cuối cùng, Đại học thángichigan khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ tăng lên mức 73,0 điểm trong tháng 11 từ 70,5 điểm của tháng 10, đồng thời cao hơn mức 71,0 điểm theo dự báo. Đây là chỉ số niềm tin tiêu dùng cao nhất kể từ tháng 04/2024 cho tới nay.

Ngân hàng trung ương Anh (BOE) cũng hạ nhẹ lãi suất chính sách trong tuần qua. Trong phiên họp ngày 07/11, BOE nhận định chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ đã rơi xuống 1,7% ở tháng Chín, nhưng có thể quay trở lại mức 2,5% vào cuối năm do giá năng lượng đang quay trở lại. Mặc dù vậy, lạm phát dịch vụ tháng Chín đã xuống còn 4,9% so với cùng kỳ từ mức trên 5% những tháng trước đó.

BOE cũng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ thu hẹp trong quý cuối năm và đồng thời thị trường lao động cũng sẽ nới lỏng hơn. BOE quyết tâm đạt được lạm phát mục tiêu 2,0% một cách kịp thời và lâu dài.

Tại cuộc họp này, Hội đồng chính sách tiền tệ của BOE (MPC) thông qua quyết định cắt giảm lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản, từ 5,0% xuống còn 4,75%.

Sau cuộc họp, Thống đốc BOE, Andrew Bailey nhấn mạnh không thể cắt giảm lãi suất chính sách quá nhanh hoặc quá nhiều bởi lạm phát luôn sát mức mục tiêu. Tuy nhiên ông cũng đề cập lãi suất có thể tiếp tục giảm dần nếu nền kinh tế phát triển đúng như BOE mong đợi.

Liên quan đến kinh tế Anh, chỉ số PMI lĩnh vực xây dựng tại Anh ở mức 54,3 điểm trong tháng 10, giảm xuống từ 57,2 điểm của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức 55,3 điểm theo dự báo. Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực dịch vụ tại nước Anh chính thức ghi nhận ở mức 52,0 điểm trong tháng 10, điều chỉnh tăng nhẹ từ mức 51,8 điểm theo khảo sát sơ bộ.

P.L

Tin khác