Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/10
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 1/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.081 VND/USD, giảm tiếp 12 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá bán USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.235 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.615 VND/USD, tăng mạnh 55 đồng so với phiên 30/09.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm 100 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.100 VND/USD và 25.200 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 1/10, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm từ 0,04 - 0,17 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần; cụ thể: qua đêm 4,30%; 1 tuần 4,36%; 2 tuần 4,36% và 1 tháng 4,33%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD đi ngang ở kỳ hạn qua đêm trong khi giảm 0,01 – 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: qua đêm 4,84%; 1 tuần 4,89%; 2 tuần 4,94%, 1 tháng 4,96%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp biến động nhẹ trái chiều; chốt phiên với: 3 năm 1,88%; 5 năm 1,90%; 7 năm 2,15%; 10 năm 2,66%; 15 năm 2,86%.
Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN tiếp tục chào thầu 7.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Có 3.251,12 tỷ đồng trúng thầu, có 23.046,31 tỷ đồng đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN.
Như vậy, NHNN hút ròng 19.795,19 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 50.863,28 tỷ đồng, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Trên thị trường chứng khoán phiên 1/10, 2 chỉ số chính tăng điểm với khối lượng giao dịch ở mức khá cao. Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 4,26 điểm (+0,33%), lên mức 1.292,20 điểm; HNX-Index thêm 1,14 điểm (+0,49%) đạt 236,05 điểm; riêng UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,30%) về 93,28 điểm. Thanh khoản thị trường tăng tích cực so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 24.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng gần 630 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo kết quả khảo sát của S&P Global, Chỉ số Quản trị nhà mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,4 điểm của tháng 8 xuống 47,3 điểm trong tháng 9, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã yếu đi ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Bão Yagi đã khiến sản lượng ngành sản xuất sụt giảm đáng kể trong tháng 9, từ đó kết thúc thời kỳ tăng trưởng kéo dài năm tháng. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào đều giảm. Tuy nhiên, sự gián đoạn được cho chỉ là tạm thời và các công ty vẫn tin vào triển vọng sản xuất, từ đó tăng số lượng việc làm phù hợp.
Tin quốc tế
Số cơ hội việc làm mới tại Mỹ trong tháng 8 đạt mức 8,04 triệu, tăng lên đáng kể từ mức 7,71 triệu của tháng 7 và trái với dự báo giảm xuống còn 7,64 triệu. Mặc dù vậy, nhìn chung cơ hội việc làm mới theo tháng tại Mỹ vẫn đang ở trong xu hướng giảm trung hạn, từ mức đỉnh 11,55 triệu ghi nhận ở tháng 03/2022.
Tiếp theo, Viện Quản lý Cung ứng ISM khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ ở mức 47,2% trong tháng 9, đi ngang so với tháng trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ lên mức 47,6%. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp lĩnh vực sản xuất thángỹ ghi nhận sự thu hẹp trở lại kể từ sau khi đạt 50,3% vào tháng 3 năm nay.
Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu Eurostat công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại Eurozone lần lượt tăng 1,8% và 2,7% so với cùng kỳ, cùng giảm tốc so với mức tăng 2,2% và 2,8% của tháng trước đó, đồng thời khớp với dự báo của thị trường. Đây là CPI toàn phần thấp nhất mà Eurozone ghi nhận kể từ tháng 05/2021, đồng thời là lần đầu tiên CPI về lại ngưỡng dưới 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu ECB theo đuổi.
Văn phòng Thống kê Úc cho biết doanh số bán lẻ tại nước Úc tăng 0,7% so với tháng trước trong tháng 8 sau khi tăng 0,1% ở tháng trước đó, cao hơn mức tăng 0,4% theo kỳ vọng của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ trong tháng vừa qua ghi nhận mức tăng 3,1% so với cùng kỳ.
P.L