Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS): Backlog mảng xây lắp cơ khí ước đạt 5,5 tỷ USD trong 4 năm tới
Mảng M&C bước vào giai đoạn bứt phá với Lô B - Ô Môn
Đầu tháng 9 vừa qua, liên danh Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) và McDermott (Hoa Kỳ) đã được trao thầu toàn diện cho gói thầu EPCI#1 thuộc chuỗi dự án Lô B - Ô Môn. Gói thầu này có giá trị khoảng 1,1 tỷ USD, trong đó phần việc của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí là khoảng 550 triệu USD.
Đồng thời, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC - công ty con của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí với tỷ lệ sở hữu 100% cũng được trao thầu toàn diện cho gói thầu EPCI#2 thuộc chuỗi dự án Lô B - Ô Môn với giá trị 400 triệu USD.
Việc trao thầu toàn diện sẽ giúp Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu trên sau giai đoạn triển khai dựa trên hợp đồng trao thầu hạn chế (LLOA). Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán MB, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ chủ yếu ghi nhận đóng góp từ các gói thầu trên vào kết quả kinh doanh trong năm 2025.
Đồng thời, Chứng khoán MB ước tính, tổng khối lượng công việc (backlog) từ chuỗi dự án Lô B - Ô Môn cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2024 - 2028 là 1,5 tỷ USD, với đóng góp từ các gói thầu EPCI#1, EPCI#2, EPCI#3, và EPCI#4.
Qua đó, chuỗi dự án Lô B - Ô Môn sẽ đảm bảo lợi nhuận của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong những năm tới, do tổng công ty đã có kinh nghiệm tốt trong triển khai các hợp đồng xây lắp cơ khí (M&C) dầu khí.
Đáng chú ý, với kinh nghiệm thực hiện các dự án dầu khí trước đây, biên lợi nhuận gộp của các hợp đồng liên quan đến Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ cao hơn biên lợi nhuận gộp các hợp đồng điện gió ngoài khơi mà Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí mới thực hiện trong vài năm gần đây.
Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí hiện đặt mục tiêu biên lợi nhuận gộp từ gói thầu EPCI#1 là 4%, tương ứng mức lợi nhuận dự kiến là 20 triệu USD. Đây được xem là mức cao khi biên lợi nhuận gộp của mảng M&C nhiều năm qua của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt mức thấp 1,6% - 2% do giá nguyên vật liệu tăng và cạnh tranh trong giá đấu thầu các dự án.
Nhu cầu phát triển điện gió tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn
Trong quý 2/2024, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng đã chính thức ký hợp đồng EPCIC cho dự án phát triển mỏ Lạc Đà Vàng với Murphy Oil (Hoa Kỳ). Giá trị hợp đồng cho doanh nghiệp được ước tính ở mức 245 triệu USD, thời gian thực hiện ước tính từ 2024 đến 2026, theo Chứng khoán MB.
Bên cạnh đó, trong năm nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng được kỳ vọng sẽ hoàn thành hợp đồng M&C các cấu kiện cho nhà máy điện khí Jurong của Singapore. Tổng khối lượng chế tạo thực hiện cho dự án này là khoảng 1.300 tấn và theo kế hoạch được bàn giao trong tháng 9. Đầu tháng 9, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã thông báo bàn giao lô hàng đầu tiên với tổng khối lượng 773 tấn.
Theo đó, Chứng khoán MB ước tính doanh thu đến từ mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong năm nay có thể ở mức 554 triệu USD.
Trong trung và dài hạn, mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu phát triển điện gió. Riêng với thị trường trong nước, theo Quy hoạch Điện VIII, nhu cầu điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể chạm mốc 6.000 MW năm 2030 và 91.500 MW vào 2050.
Với vị thế là một trong những nhà thầu lớn nhất khu vực có thể triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch năng lượng này.
Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp trong thi công các cấu kiện điện gió ngoài khơi của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí dự kiến sẽ được cải thiện từ năm 2025 khi doanh nghiệp tiếp thu kinh nghiệm từ các dự án trước để triển khai hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ biên lợi nhuận gộp chung của mảng M&C tăng.
Chứng khoán MB dự phóng tổng backlog mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2024 - 2028 sẽ ở mức 5,5 tỷ USD với biên lợi nhuận gộp dự kiến đạt 1,8% trong năm 2024 và 2,6% trong năm 2025.
Duy Quang