Đến lúc bỏ Nghị định 24, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng?
Ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong đó, nhiều đại biểu quan tâm chất vấn về công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng.
Trước đây, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ra đời nhằm mục tiêu chống vàng hóa trong nền kinh tế. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 24 và diễn biến thực tiễn thị trường vàng trong thời gian qua, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đề nghị Thống đốc cho biết hiện tại đã phải là thời điểm thích hợp để thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng hay chưa?
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Hoàn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện NHNN đang đánh giá tổng kết Nghị định 24 và đề xuất cách thức giải quyết.
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng, đại biểu Trịnh Xuân An, Đồng Nai cho biết, Nghị định 24 không cấm các doanh nghiệp nhập nguyên liệu để làm vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng hiện đang cấm, ảnh hưởng đến quyền lợi cho người dân.
Theo đó, đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết quan điểm về việc có nên để các doanh nghiệp kinh doanh trang sức mỹ nghệ được nhập vàng để phục vụ cho người dân, phục vụ cho nền kinh tế. Đại biểu cho rằng, cần dùng những công cụ khác mang tính vĩ mô hơn như thuế, các công cụ tài chính để quản lý thị trường vàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị định 24 có quy định về cách thức quản lý đối với thị trường vàng miếng và vàng trang sức mỹ nghệ.
Đối với vàng trang sức mỹ nghệ, hiện NHNN quản lý bằng cách cấp phép cho giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Còn về việc kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, NHNN đã có một số Thông tư quản lý vấn đề này.
Đã đến lúc bỏ Nghị định 24
Trả lời TheLEADER, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho biết, không nên hiểu theo nghĩa dùng vàng đi mua căn nhà, mua chiếc xe ô tô thì gọi là vàng hóa, mà vàng phải vào hệ thống ngân hàng dưới dạng tiền gửi mới bị vàng hóa.
“Xóa bỏ độc quyền là chuyện cần làm bởi bối cảnh tạo ra nó không còn nữa, nên bỏ độc quyền do không cần thiết nữa, và vĩnh viễn không còn chuyện vàng hóa nữa, vì vàng không được gửi vào hệ thống ngân hàng với tư cách tiền gửi”, ông Nghĩa nêu.
Trước ý kiến NHNN vẫn cần phải quản lý vàng với tư cách là tiền tệ, bằng cách cấp (quota) hạn ngạch cho các công ty vàng để nhập khẩu vàng miếng, TS. Nghĩa cho rằng điều này không cần thiết.
Chuyên gia này lý giải, quota là một cách thức quản lý xuất nhập khẩu đã lỗi thời, 20 năm nay không nước nào dùng, không chỉ với vàng mà các hàng hóa khác cũng vậy. Cấp quota là cách khống chế khối lượng, khi khống chế sẽ dẫn tới giá cả tăng lên, phần tăng lên ngân sách không thu được, lợi nhuận rơi vào các doanh nghiệp chạy được quota, và cơ quan nào cấp quota sẽ trở thành ổ tham nhũng.
Vì vậy, TS. Nghĩa cho rằng, nên bỏ cách quản lý theo cấp quota và chuyển sang quản lý xuất nhập khẩu bằng thuế. Nhà nước muốn khuyến khích nhập khẩu thì giảm thuế và ngược lại thì tăng thuế lên, Nhà nước thu được thuế và hoàn toàn chủ động, không rơi vào tay ai, không có chuyện xin quota như ngày xưa xin quota nhập khẩu xe máy.
“Nên tôi kiến nghị bỏ toàn bộ Nghị định 24, không chỉ bỏ độc quyền vàng mà bỏ luôn quy định quản lý vàng theo hạn ngạch, chuyển sang quản lý bằng thuế. Ngân hàng Trung ương có thể vẫn duy trì dự trữ bằng vàng, có thể can thiệp khi cần”, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ quan điểm.
Về vấn đề quản lý nhập khẩu vàng bằng thuế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, việc quản lý nhập khẩu vàng bằng thuế chưa phải là công cụ hữu hiệu. Quan điểm nhà kinh doanh vàng khi chịu thuế cao sẽ hạn chế lượng vàng nhập, điều này có thể đúng một phần. Các chi phí trong đó có thuế sẽ được doanh nghiệp chuyển vào cho người tiêu dùng cuối. Vì nhu cầu của người tiêu thụ cao, họ vẫn chấp nhận trả chi phí cao, theo đó doanh nghiệp vẫn nhập khẩu nhiều, điều này có thể ảnh hưởng tới dự trữ vàng quốc gia.
“Tôi nghĩ việc quản lý nhập khẩu vàng bằng thuế có thể xem xét nhưng nếu chỉ dùng thuế e là chưa kiểm soát tốt. Giải pháp nên triển khai là đánh thuế trên lãi phát sinh khi người tiêu dùng giao dịch vàng. Cộng thêm nữa là đánh thuế cùng với phối hợp cấp quota nhập khẩu vàng. Kết hợp các chính sách này có thể quản lý, kiểm soát thị trường vàng tốt hơn”, TS. Hiếu bày tỏ.
Khống chế việc người dân mua vàng miếng là không hợp lý
Phân tích góc nhìn chính sách tiền tệ, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, đúng là nếu hạn chế nhập khẩu vàng thì có lợi cho dự trữ ngoại hối, hạn chế những cơn sốt vàng. Quan trọng, khi hạn chế sốt vàng, tiền của người dân thay vì tập trung mua vàng, găm vàng sẽ chuyển sang đi vào sản xuất kinh doanh, đầu tư chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm ngân hàng từ đó hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế…
Nhưng chuyên gia này nhấn mạnh, nhu cầu đầu tư vàng, giữ vàng là nhu cầu chính đáng của người dân cần được tôn trọng. Nhiều người lao động không có tiền cũng như không có kiến thức đầu tư chứng khoán, bất động sản, lãi suất tiền gửi không hấp dẫn bằng mua bán vàng. Theo đó, cần cho phép người dân giữ vàng, đầu tư trong chừng mực hài hòa với lợi ích quốc gia. Khống chế việc người dân mua vàng miếng là không hợp lý.
“Tôi ủng hộ quan điểm bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nghị định 24 quy định NHNN là đơn vị duy nhất nhập khẩu vàng, theo tôi nên cho doanh nghiệp có năng lực được nhập khẩu vàng dưới sự chỉ đạo, quản lý của NHNN”, TS. Hiếu đề xuất.
Như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm cần bỏ tư duy “không quản được là cấm”, với thị trường vàng cũng vậy, cần đổi mới tư duy, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Huyền Châm