1. Tài chính

'Để mỗi tổ chức tăng trưởng tín dụng vài chục phần trăm sẽ có rủi ro'

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Nghị quyết chất vấn của Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiến tới dỡ bỏ điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nội dung này thế nào? Lộ trình tiến tới xóa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng?

Trong khi đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) thắc mắc: Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, trong 9 tháng đầu năm mới đạt 8,53%. Đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh nhưng sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp và còn hai tháng để đạt được chỉ tiêu theo định hướng Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra.

Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết tính khả thi của chỉ tiêu tín dụng 15% trong năm 2024, có ảnh hưởng tới nợ xấu và khả năng hấp thụ vốn không? Giải pháp để đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15% mà không để tăng tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới?

Theo Thống đốc NHNN, chưa thể bỏ cách điều hành theo hạn mức tín dụng. (Ảnh minh họa)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau phiên chất vấn tháng 5/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 62/2022/QH15. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các cuộc tọa đàm để phân tích, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng về tình hình thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như tình hình của các tổ chức tín dụng. "Xét trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng", Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc lý giải, với thực trạng nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào vốn của hệ thống ngân hàng, nếu chúng ta không kiểm soát, để mỗi tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng đến vài chục phần trăm như những năm trước đây thì cũng tiềm ẩn những rủi ro. Nhất là khi phân khúc của thị trường tài chính đáp ứng nhu cầu về trung, dài hạn như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần, cổ phiếu…vẫn còn chưa giải quyết được vấn đề về vốn dài hạn, thì việc bỏ hạn mức tín dụng là chưa thực hiện được.

Thống đốc cũng nêu rõ, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt hơn trong các giải pháp đáp ứng nhu cầu tín dụng như: cấp hạn mức tín dụng theo đánh giá, xếp loại của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước; cân nhắc đối với những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, bất động sản…).

Đến cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thông báo tăng trưởng tín dụng của cả năm 2024 cho tất cả các tổ chức tín dụng với chỉ tiêu định hướng khoảng 15%.

Khi Fed giảm lãi suất, thoạt đầu có vẻ áp lực đối với tỉ giá và thị trường ngoại hối được giảm bớt, tuy nhiên giá và thị trường ngoại hối chịu rất nhiều tác động của nhiều yếu tố. Không chỉ yếu tố lãi suất của Fed mà còn phụ thuộc vào nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Nếu chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, cung - cầu thuận lợi thì tỷ giá sẽ thuận lợi hơn. Trên tinh thần kiên định mục tiêu điều hành để ổn định giá trị VND, Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp để làm cho VND hấp dẫn hơn, khuyến khích người dân chuyển hóa ngoại tệ sang VND.

Theo Thống đốc, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng 15%, tuy nhiên cần theo dõi diễn biến để có thể điều chỉnh tăng giảm tùy theo tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng sẽ thường tăng cao trong hai tháng cuối năm. Do đó, khả năng đạt được chỉ tiêu này cũng khả thi cao.

Riêng về nợ xấu, nếu nguyên nhân nợ xấu là do yếu tố khách quan thì Ngân hàng Nhà nước cũng khó kiểm soát. Còn về bản thân các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách thẩm định kỹ các khoản vay, đối tượng vay, thận trọng, cân đối các nguồn vốn.

Đề xuất gói 120.000 tỷ đồng xây nhà ở cho người thu nhập thấp

Tại phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) đề nghị Thống đốc cho biết giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển hiện nay. Đặc biệt là cho người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực trạng thị trường bất động sản hiện nay đang mất cân đối cung - cầu về các phân khúc, nhất là đối với phân khúc người thu nhập thấp chưa được phát triển mạnh mẽ.

Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành Nghị quyết số 33 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư bất động sản.

Theo đó, NHNN đã có giải pháp tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn không trả được nợ. NHNN đã ban hành các thông tư để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp cận nguồn vốn vay mới.

Đồng thời NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm và miễn lãi các dự án, trong đó có các dự án bất động sản. Liên quan đến các thông tư cho vay của Chính phủ hiện đã dừng và chưa thực hiện.

Còn việc các tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp, NHNN đã sửa đổi theo hướng đảm bảo thuận lợi hơn đối với lĩnh vực thị trường bất động sản.

Liên quan đến nguồn lực đối với nhà ở cho người thu nhập thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định lại, nguồn lực chủ yếu là từ ngân sách nhà nước. NHNN đã đề xuất gói 120.000 tỷ đồng và NHNN sẽ tích cực triển khai trong thời gian tới.

Đối với những đối tượng thuộc nhóm cho vay hỗ trợ nhà ở, đất ở của các chương trình mục tiêu quốc gia, NHNN đã chủ trì tham mưu ban hành các nghị định liên quan và khi được bố trí nguồn thì các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai thực hiện chương trình.

Châu Anh

Tin khác