Để ESG dẫn dòng tín dụng
Sáng 19/11, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, ESG đang trở thành một xu hướng lớn trên toàn thế giới và không còn là khái niệm xa lạ. Rất nhiều quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều quy định và chính sách thúc đẩy các tiêu chuẩn ESG, trong đó có hệ thống ngân hàng.
Tại Việt Nam, bằng việc áp dụng các chính sách ưu tiên với các doanh nghiệp thực hiện tốt các thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG và hạn chế tín dụng cho những hoạt động gây tổn hại tới môi trường và xã hội, ngân hàng đóng vai trò tiên phong và là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi hành động về ESG.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, ngoài việc thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội, việc ngân hàng tăng cường áp dụng ESG vào hoạt động cấp tín dụng cũng mang lại nhiều lợi ích khác.
Bởi lẽ, rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của tổ chức tín dụng (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng...), do vậy việc thực hành ESG sẽ giúp các tổ chức tín dụng cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Ngoài ra, khi áp dụng ESG, các tổ chức tín dụng có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng.
Cũng theo ông Tú, chính những động lực từ ESG, đến 30/9/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.
Để ESG tiếp tục dẫn dòng tín dụng, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam.
Tất nhiên, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh đòi hỏi sự phối, kết hợp từ nhiều bộ, ngành, các đơn vị liên quan. Do đó, bà Giang có 4 kiến nghị, đề xuất.
Thứ nhất, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, xã hội của các dự án đầu tư theo hướng cập nhật, dễ dàng tiếp cận, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có thể tra cứu thông tin để đánh giá về môi trường, xã hội.
Thứ hai, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong việc thực thi ESG, dần tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Thứ tư, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ, thúc đẩy thực hành ESG, đồng thời thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh./.
Vũ Phong