Đề án tái cơ cấu - Giải pháp tổng lực cho Vietnam Airlines
Đề án tái cơ cấu Việt Nam Airlines được Chính phủ trình Quốc hội với một số kiến nghị cho phép VNA chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng (Hiện VNA không thực hiện được do vướng quy định trong Luật Chứng Khoán và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất).
Cùng với đó là kiến nghị cho phép Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền.
Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 135 nhằm tháo gỡ khó khăn cho VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gồm: Cho vay tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu với tổng quy mô 12.000 tỷ đồng. Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn cho VNA.
Các chuyên gia đánh giá các gói hỗ trợ này đã có tác dụng như liều oxy cấp cứu VNA trong lúc khó khăn nhất. Tuy nhiên, tại thời điểm này, trong bối cảnh nền kinh tế cần phát triển mạnh hàng không để phục vụ tăng trưởng, lan tỏa cho cả chuỗi cung ứng kèm theo, thì cần có chiến lược tăng vốn dài hạn cho doanh nghiệp này.
Đề án tái cơ cấu VNA đặt mục tiêu sẽ hoàn toàn phục hồi và phát triển bền vững trước năm 2035. Cơ hội phát triển đang mở ra, sự phát triển của Vietnam Airlines không chỉ đại diện cho ngành hàng không Việt Nam mà còn đại diện cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thương hiệu quốc gia Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!
Xuân Tiến - Ninh Tùng - Như Huỳnh