ĐBQH: Có sàn vàng, sẽ mua 'tín chỉ vàng' thay cho vàng miếng
Sáng 11/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Làm thế nào để quản lý thị trường vàng, kiểm soát giá vàng, vì sao NHNN chỉ bán ra mà không mua vàng miếng… là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống đã có trao đổi với các đại biểu bên hành lang QH về những vấn đề này.
Có sàn vàng, không cần tích vàng miếng nữa
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho hay, chính sách điều hành thị trường vàng trong giai đoạn vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu đạt được mục tiêu. Nếu như trước đây, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch tới 15 triệu đồng, thì tới nay chỉ còn từ 3-5 triệu đồng. Điều đó cho thấy, sự can thiệp của NHNN đã giải quyết được vấn đề cung – cầu trong nước.
Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn, cần có sự can thiệp cao hơn nữa, đó là ngoài việc bán, thì NHNN còn phải mua vàng miếng từ phía người dân. Trong khi đó, mục tiêu của NHNN hiện nay mới chỉ là bán để tăng cung, để nhu cầu vàng không chênh lệch quá lớn với thế giới. Trong trả lời đại biểu, Thống đốc cũng đã có chỉ ra rằng, trong tương lai, chúng ta có thể thành lập sàn vàng.
“Tôi rất kỳ vọng, sắp tới, chúng ta sẽ thành lập được sàn vàng. Khi có sàn vàng, các tổ chức tín dụng có thể tham gia, và việc kinh doanh không phải chỉ là mua bán dạng “vật chất”, như là vàng miếng, mà có thể bằng tín chỉ. Lúc đó, người dân có thể mua bán vàng rất dễ dàng. Và các doanh nghiệp cũng không cần phải kiểm soát chất lượng vàng mua vào hay bán ra nữa. Đây sẽ là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng để chúng ta sẽ liên thông được giữa vàng trong nước và vàng thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân, khiến người dân không tích trữ vàng nữa”, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Cường, khi doanh nghiệp tham gia sàn vàng sẽ có nhiều rủi ro. Và những rủi ro này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, những hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Vì thế, cần có sự tham gia, vào cuộc của rất nhiều cơ quan và có cơ chế kiểm soát thật chặt chẽ, để tránh những rủi ro này.
Cầu mong vàng thế giới bình ổn, thì trong nước mới bình ổn
Nói về giải pháp bình ổn giá vàng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho hay, điều quan trọng nhất, cầu mong nhất là thế giới hòa bình. Bởi nếu thế giới tiếp tục xảy ra những xung đột về chính trị, có chiến tranh, thì giá vàng sẽ bất ổn, theo chiều hướng gia tăng. Điều này sẽ dẫn tới sức cầu quá lớn, không có tổ chức nào đáp ứng được, gây áp lực tới sự điều hành chính sách tài chính ở các quốc gia. “Cho nên, điều mong muốn nhất vẫn là thế giới hòa bình thì cung – cầu vàng có sự ổn định”, ông Ngân nói.
Theo ông Ngân, từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới rất bất ổn, tăng từ 2000-2700 USD (từ 20-30%). Còn giá vàng trong nước, ban đầu cũng có sự chênh lệch rất lớn với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, khi Chính phủ quyết định có chính sách can thiệp vào thì giá vàng trong nước và thế giới nhích lại. Hiện nay, giá vàng trong nước chỉ tăng khoảng 20%, trong khi giá vàng thế giới, từ đầu năm tới giờ tăng trên 30%, đó là một thành công. Tuy nhiên, điều này, theo ông Ngân, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân.
“Cho nên, mong giá vàng thế giới trở lại sự bình ổn, khi đó, nhu cầu vàng trong dân giảm đi. Người ta chỉ mua khi có nhu cầu cần thiết, chẳng hạn như trong dịp lễ hội, cưới hỏi… thì việc đáp ứng cung cầu sẽ hợp lý hơn”, ông Ngân nói.
Mai Loan