1. Tài chính

ĐBQH chất vấn lý do dư nợ tín dụng các dự án giao thông có xu hướng giảm

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão thế nào?

Tham gia chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 11.11, các đại biểu quốc hội cho biết ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân mất hết tài sản. Giải pháp như nào để các tổ chức, cá nhân được vay vốn để phục hồi, phát triển, sản xuất, kinh doanh?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung quan tâm, rà soát các khách hàng vay vốn tại tổ chức mình để xác định mức độ thiệt hại các khoản dư nợ mà khách hàng và người dân đã vay tại ngân hàng.

Theo đó, số dư nợ tín dụng của các khách hàng cá nhân bị thiệt hại khoảng 190 nghìn tỉ đồng. Trên cơ sở đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định hiện hành.

NHNN cũng chỉ đạo các TCTD xem xét giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của cơn bão số 3.

Các đại biểu thảo luận tại Quốc hội

Ngoài ra, mỗi TCTD cũng cân nhắc, xem xét của cân đối nguồn vốn mình để đưa ra các gói tín dụng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay đã có 35 TCTD đã công bố với tổng giá trị gói tín dụng là 405 nghìn tỉ đồng để tiếp tục cho vay mới đối với các doanh nghiệp và người dân chịu tác động cũng như các khoản lãi suất cho vay ưu đãi hơn.

Về tài sản đảm bảo của các hộ dân không còn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, bà Hồng cho hay NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng khảo sát, phối hợp với từng xã, từng địa phương rà soát để quyết định cho vay. Nếu hộ dân không còn tài sản đảm bảo nhưng phương án kinh doanh khả thi và chứng minh được khả năng trả nợ, các TCTD vẫn cho vay theo hình thức tín chấp...

Về thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết ngay sau khi Nghị quyết 143 được ban hành, NHNN đã dự thảo các thông tư hướng dẫn và xin ý kiến theo quy trình.

Bà Hồng cho hay xác định đây là một sự cố cấp thiết nên NHNN trình các cấp có thẩm quyền để xin ban hành theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, theo quy định, phần quyết định về phân loại trích lập dự phòng tự do đối với các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vì vậy, đồng thời với xây dựng dự thảo thông tư, NHNN cũng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để sớm triển khai trong thực tiễn.

Dư nợ các dự án giao thông đang giảm

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy dư nợ tín dụng đối với các dự án giao thông đang có xu hướng giảm.

Đại biểu đề nghị Thống đốc NHNN cho biết nguyên nhân có phải do nhà đầu tư dự án đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay? Trong thời gian tới Thống đốc có đề xuất giải pháp gì để tháo gỡ, thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông?

Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông, đường cao tốc là lĩnh vực mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.

“Chỉ trong một thời gian ngắn, số km đường xây dựng so với thời gian trước đã tăng lên rất nhanh và nhiệm vụ cho giai đoạn tới đến năm 2030 để có được 5 nghìn km đường cao tốc là mục tiêu rất lớn. Đường cao tốc cần nguồn vốn vay dài hạn, nên đòi hỏi phải đa dạng hóa các nguồn lực từ nhiều kênh”, Thống đốc NHNN nêu rõ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc cho biết NHNN đã đánh giá, theo dõi và trước đây cũng có các dự án về đường cao tốc, các ngân hàng đã tham gia vay vốn, tổng dư nợ các khoản cho vay các dự án đường cao tốc này khoảng trên dưới 100 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu và nợ nhóm hai của các dự án này đang chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 20%. Nguyên nhân nữa còn do tiền trả nợ làm đường cao tốc thường đến từ nguồn thu phí.

Vì vậy, theo bà Hồng, nếu chính sách thu phí đường cao tốc thường xuyên thay đổi hay các phương án tài chính của các dự án xây dựng đường cao tốc thay đổi sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các dự án này. Do đó, các TCTD khá thận trọng, còn khuôn khổ pháp lý hiện đã đầy đủ.

Nói về giải pháp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đối với giải pháp về nguồn tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các TCTD phải tăng cường cho vay đồng tài trợ đối với những dự án lớn.

“Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng và liên quan đến chống biến đổi khí hậu, việc huy động nguồn lực từ nước ngoài là cần thiết, đặc biệt đối với các dự án ODA trợ giúp phát triển chính thức như ngân hàng ADB, WB… Quan trọng nhất là chúng ta cân đối vay bao nhiêu để đảm bảo cân đối của nền kinh tế cũng như đảm bảo thủ tục nhanh chóng, thuận thiện. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác để giải quyết các khó khăn khi triển khai các dự án này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Người thu nhập thấp vẫn khó sở hữu nhà

Trả lời chất vấn về gói tín dụng cho vay công nhân và người thu nhập thấp theo chương trình nhà ở xã hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay chương trình 1 triệu căn hộ đến năm 2030 là một chủ trương lớn, rất nhân văn. Do đó, cần phải được huy động từ rất nhiều nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Để hưởng ứng chương trình này, NHNN đã báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 33 là các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra một gói 120 nghìn tỉ đồng, đến nay đã tăng lên 145 nghìn tỉ đồng.

Theo chương trình này, vốn do các ngân hàng huy động từ người dân và lãi suất giảm khoảng từ 1,5 - 2% so với lại mức lãi suất thông thường 3 năm đối với người có thu nhập thấp và 5 năm đối chủ đầu tư.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng giải ngân vốn này thấp và phụ thuộc vào các địa phương phải công bố các dự án đủ điều kiện tham gia chương trình này theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng; thứ hai là khách hàng vay vốn phải đủ điều kiện đảm bảo vay vốn. Trong bối cảnh COVID-19 tác động và còn hệ lụy, những người có thu nhập thấp và công nhân lại càng gặp khó khăn để đi vay và sở hữu 1 căn nhà.

Theo bà Hồng, thời điểm báo cáo vấn đề này tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội là giai đoạn đầu triển khai chưa tăng giải ngân được, khi kinh tế bớt khó khăn thì sẽ tăng giải ngân này.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng Bộ Xây dựng và các địa phương cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu nhà ở hay là nhu cầu thuê của những người có thu nhập thấp để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Lam Thanh

Tin khác