1. Tài chính

ĐBQH: Cả thế giới 'đau đầu' vì vàng, nhiều gia đình tìm mua nhẫn cưới cũng khó

Cả thế giới "đau đầu" vì vàng

Tại phiên chất vấn, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, sự chênh lệch giữa vàng thế giới và giá vàng trong nước phản ánh thị trường vàng chưa thực sự ổn định, thiếu tính bền vững, chịu tác động của yếu tố tâm lý kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ.

Theo đại biểu đoàn Đắk Nông, việc giá vàng đua nhau lập đỉnh làm người muốn sở hữu "hoa mắt chóng mặt", cơ quan quản lý "không khỏi đau đầu". Đại biểu yêu cầu Thống đốc Nguyễn Thị Hồng làm rõ giải pháp để người dân yên tâm về sự ổn định của VND, từ bỏ tâm lý tích trữ vàng để dành nguồn lực cho phát triển đất nước.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)

"Thứ hai, khi kéo vàng miếng SJC gần với giá vàng thế giới, ai là người hưởng lợi? Ai đã, đang và sẽ thiệt khi mua vàng SJC", đại biểu chất vấn Thống đốc.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, không chỉ tại Việt Nam, vàng cũng đang là vấn đề "đau đầu" của thế giới. Bà Hồng thông tin, trước khi NHNN can thiệp thị trường vàng, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 2.300 - 2.400 USD/ounce và hiện đã tăng vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce. Xét từ đầu năm đến nay, ước tính giá vàng thế giới đã tăng hơn 50%.

“NHNN can thiệp để ổn định với mục tiêu đưa chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế giảm xuống, bởi nếu để chênh lệch tăng cao sẽ có hiện tượng nhập lậu vàng. NHNN đã can thiệp và đưa chênh lệch xuống 3-4 triệu đồng/lượng, tương ứng chênh lệch còn khoảng 5%-7%”, bà Hồng thông tin.

Đề cập đến biến động giá vàng, bà Hồng cho biết, do yếu tố khách quan của kinh tế thế giới. Giá vàng trong nước còn phụ thuộc nhiều vào các biến số của thị trường tài chính thế giới như lãi suất, tỷ giá, giá dầu... Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường và căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ để xem xét giải pháp để giải quyết vấn đề căn cơ, can thiệp thị trường vàng.

“Về lâu dài, quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước cũng như theo chủ trương chống vàng hóa, vẫn thực hiện để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ, còn việc vàng để tích lũy theo truyền thống Á Đông thì NHNN sẽ có những giải pháp để đánh giá và có giải pháp để cung ứng vàng ra thị trường cũng như có các giải pháp phù hợp”, bà Hồng nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề ai là người hưởng lợi khi giá vàng biến động, Tư lệnh ngành Ngân hàng cho biết, trên thực tế, khi người dân mua vàng với giá cao, sẽ bán cao và ngược lại, mua thấp bán thấp. Tuy nhiên, khi chủ thể này có lợi thì lợi ích của chủ thể khác sẽ giảm xuống. Đối với doanh nghiệp kinh doanh mua - bán vàng miếng cũng cần tính toán để tránh rủi ro, vì bản thân doanh nghiệp chỉ là trung gian - mua bán vàng miếng.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Bản thân NHNN khi mua vàng về để can thiệp thị trường, cũng đã có biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giá vàng lên xuống thất thường. Sau khi can thiệp, NHNN cũng mua ngay vàng để tránh "khoảng trống" là sẽ thiệt.

“Đối với mặt hàng vàng giá trị cao, giá cả lên, xuống thất thường, cho nên NHNN cũng như các cơ quan thường xuyên cảnh báo khi đầu tư vào vàng thì bản thân cá nhân rất thận trọng và tính toán cho phù hợp”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Nhiều gia đình đi tìm mua nhẫn cưới thôi cũng khó

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) chất vấn, hiện Nghị định 24 không cấm doanh nghiệp nhập nguyên liệu về làm vàng trang sức mỹ nghệ, nhưng "chúng ta vẫn đang cấm".

“Tư duy này đang vi phạm nguyên tắc ta không quản được thì cấm và ảnh hưởng ngay đến quyền lợi của người dân”, ông An nói, đồng thời nêu dẫn chứng “có những gia đình đi tìm mua nhẫn để tổ chức đám cưới cũng khó vì người ta không tìm được vàng miếng thì chuyển sang vàng trang sức”.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)

Liên quan đến thị trường vàng, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, đã đến lúc chúng ta dùng những công cụ khác mang tính vĩ mô hơn như thuế, như các công cụ tài chính để ta quản lý.

"Đề nghị Thống đốc cho biết có nên để doanh nghiệp nhập nguyên liệu về làm vàng trang sức để phục vụ người dân, nhà nước thu được thuế hay không?", ông An nêu câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại Nghị định 24 có quy định về cách thức quản lý đối với thị trường vàng miếng và thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ. Vàng trang sức mỹ nghệ hiện nay quản lý là Ngân hàng Nhà nước cấp phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng, cấp phép chứng nhận các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Còn hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ thì Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư”.

“Đây là kinh doanh có điều kiện thì các doanh nghiệp sẽ tự kinh doanh, nhưng đầu vào của vàng trang sức, mỹ nghệ phải nhập khẩu và cũng có thể họ mua, bán trên thị trường trong nước thì cũng là vàng để đáp ứng vàng trang sức mỹ nghệ”, bà Hồng nói.

Đối với nhập khẩu, bà Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không cấm nhập khẩu nhưng vì theo quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất, nhập khẩu cho nên trong Nghị định 24 quy định rất rõ tùy theo mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ mà có quyết định về sản xuất hay xuất, nhập khẩu vàng miếng.

Cũng liên quan tới Nghị định 24, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) chất vấn: “Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 24 về thị trường vàng, Thống đốc cho biết hiện tại đã phải là thời điểm thích hợp để thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng?”

“NHNN đã có nghiên cứu và dự kiến phát triển các hình thức giao dịch vàng phi vật chất như sàn vàng do Nhà nước trực tiếp quản lý vận hành đảm bảo sự liên thông thị trường trong nước và quốc tế cũng như khuyến khích người dân đầu tư vào các kênh tài sản khác, trách việc vàng hóa thị trường thay cho đô la hóa trong thời gian vừa qua?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tổng kết Nghị định 24 và đề xuất cách thức giải quyết, trong đó có rất nhiều vấn đề đại biểu quan tâm thì chúng tôi đều có phân tích, đánh giá và phân tích những tác động của giải pháp mới. Trong đó, những vấn đề sàn vàng, chúng tôi sẽ có báo cáo để thấy sàn vàng có thuận lợi gì, đối với điều kiện của Việt Nam thì chúng ta đã đến lúc thực hiện hay chưa, hay tiếp tục nghiên cứu để đề xuất thời điểm phù hợp.

Bà Hồng chia sẻ, có thành lập đoàn đi khảo sát ở Trung Quốc thì thấy ở giai đoạn đầu Trung Quốc là độc quyền, ngân hàng Trung ương độc quyền hoàn toàn về vấn đề liên quan đến mua, bán vàng miếng, trong một giai đoạn sau sẽ trao lại cho các ngân hàng thương mại nhà nước của Trung Quốc rồi mới đến thành lập sàn vàng. Tuy nhiên, đặc thù của nền kinh tế Trung Quốc hay một số nước như Ấn Độ có sàn vàng thì có những điều kiện kinh tế khác biệt với chúng ta.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc ý kiến của đại biểu và phân tích, lập luận, tham mưu trong quá trình hoàn thiện Nghị định 24”, bà Hồng cho hay.

Sẽ lập sàn giao dịch vàng “ở thời điểm phù hợp”

Cũng liên quan tới điều hành thị trường vàng, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ quan điểm về việc có nên thành lập sàn giao dịch vàng hay không?

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai)

Đối với vấn đề này, Thống đốc NHNN cho hay, một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải, tuy vậy, không nhiều nước trong khu vực thành lập sàn vàng. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.

Theo Thống đốc, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Cẩm Tú/VOV.VN

Tin khác