1. Chứng khoán

Đầu tư tài sản Koji (KPF) tiếp tục 'trắng' doanh thu, lỗ lũy kế hơn 140 tỷ đồng

Quý III/2024, CTCP Đầu tư tài sản Koji (HoSE: KPF) ghi nhận thêm một quý kinh doanh ảm đạm với doanh thu “trắng”, kể cả doanh thu tài chính. Dù vậy, các chi phí vẫn phải thực hiện khiến Công ty lỗ gần 2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 5 tỷ đồng).

Đáng chú ý, doanh thu gần nhất mà KPF đạt được đã là từ quý I/2023 với 1 tỷ đồng. Trong quý II/2024, KPF thua lỗ kỷ lục 282 tỷ đồng.

Đầu tư tài sản Koji cho biết, Công ty có các hợp đồng cho vay đã hết hạn trước ngày 31/12/2023 nên không tính doanh thu hoạt động tài chính khiến lợi nhuận giảm.

Từ quý III/2021, doanh thu tài chính là nguồn thu chủ lực của KPF vì sau khoảng thời gian này, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thường xuyên “trắng tay”, hoặc nếu có thì chỉ ở mức thấp.

Lũy kế 9 tháng, KPF lỗ ròng hơn 283 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 24 tỷ đồng, do Công ty trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 324 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9, KPF lỗ lũy kế gần 142 tỷ đồng, tổng tài sản cũng “bốc hơi” 35% so với đầu năm còn hơn 524 tỷ đồng, với phần lớn tài sản là khoản đầu tư tài chính vào các công ty khác với hơn 495 tỷ đồng, chiếm 95% tổng tài sản.

Ngoài ra, khoản phải thu về cho vay còn hơn 207 tỷ đồng và các khoản phải thu khác còn gần 158 tỷ đồng. Trong đó, cựu Chủ tịch KPF - ông Nguyễn Khánh Toàn đang nợ Công ty hơn 71 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu KPF gần như rơi tự do, chỉ còn 1.780 đồng/cp (khép phiên 21/10), giảm 67% so với đầu năm, thanh khoản bình quân gần 267 ngàn cp/phiên và là giá thấp nhất kể từ khi niêm yết trên HoSE năm 2016.

Trước đó, ngày 11/10 cổ phiếu KPF bị hạn chế giao dịch do Công ty chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 45 ngày so với quy định.

Đoàn Chi

Tin khác