Đâu là cơ hội đầu tư bất động sản trong thời kỳ mới?
Chiều ngày 29/10 tại thành phố Đà Nẵng, Viện nghiên cứu và đào tạo Bất động sản phối hợp cùng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đầu tư bất động sản trong thời kỳ mới”.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế; Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia) đánh giá, kinh tế thế giới phục hồi nhanh trong năm 2021 và giảm đà tăng trưởng năm 2022 sẽ dự báo vào năm 2023 xuất hiện suy thoái cục bộ. Cùng với đó, lạm phát (CPI) tiếp tục tăng mạnh năm 2022 và sau đó hạ nhiệt dần từ năm 2023.
Theo đó, rủi ro, thách thức chính năm 2022-2023 với 4 tăng và 2 giảm sẽ khiến xu hướng đầu tư dịch chuyển nhanh sang các lĩnh vực mới, trong đó có bất động sản xanh. Ngoài ra, điều này cũng khiến thị trường chứng khoán và bất động sản điều chỉnh mạnh, lành mạnh hóa.
Theo chuyên gia, thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế, là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản, đóng góp vào GDP và nền kinh tế (là 1 trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị) và góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước (xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm).
Đồng thời, TS Cấn Văn Lực gợi ý doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động, tăng năng suất và kết hợp mô hình 6R. Đặc biệt, doanh nghiệp bất động sản cần cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá...; Chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình phục hồi. Phục hồi xanh, tăng trưởng xanh đến bất động sản xanh đang là xu thế. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý tới vấn đề chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới và thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro…
“Ngoài tín dụng, doanh nghiệp cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, từ quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính ... Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết... Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng về vốn cụ Quan tâm quản lý rủi ro tài chính như dòng tiền, lãi suất, tỷ giá,…”, TS Cấn Văn Lực cho hay.
Dưới góc độ đầu tư bất động sản cá nhân, chuyên gia Phan Công Chánh (Chuyên gia bất động sản cá nhân) cho rằng nhà đầu tư được quy thành 3 nhóm với các mức khác nhau về “khẩu vị rủi ro” gồm: Không thích rủi ro; Thận trọng và Ưu thích rủi ro.
Chuyên gia Phan Công Chánh đưa ra lời khuyên rằng, trong bối cảnh kinh tế giai đoạn 2022-2023 sẽ phù hợp với nhóm nhà đầu tư Thận trọng do các bất ổn trong dòng chảy kinh tế chính trị thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay. Cùng với đó, việc điều chỉnh khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cho danh mục theo hướng ưu tiên nhiều hơn cho tỷ trọng tài sản theo mô hình kim tự tháp là bảo vệ (lớp đáy) và tài sản tiết kiệm (lớp giữa), hạ thấp tỷ trọng đối với loại tài sản đầu tư (lớp ngọn) cho giai đoạn 2022 2023.
Tại Hội thảo, trình bày về phân khúc đất nông nghiệp đa dụng, TS Nguyễn Minh Ngọc (Chuyên gia Nghiên cứu và đào tạo phát triển Bất động sản Nông nghiệp đa dụng) dự báo đây sẽ là phân khúc có triển vọng dẫn dắt thị trường bất động sản trong giai đoạn đến.
Tuy nhiên TS Nguyễn Minh Ngọc cũng cho rằng, việc đầu tư bất động sản nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường, rủi ro về pháp lý và rủi ro về tài sản. Theo đó, chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần lựa chọn khôn ngoan khi đầu tư bất động sản nông nghiệp đa dụng với việc lựa chọn vùng, địa bàn và vị trí, lựa chọn loại, phân khúc sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ; khả năng cải tạo, kinh doanh sản phẩm. Ngoài ra, vị thế - chất lượng; thời điểm, đối tác, công nghệ, chu kỳ đầu tư cũng là những yếu tố cần xem xét khi lựa chọn đầu tư loại hình bất động sản này.
Đức Thảo