Dấu hỏi lớn về chất lượng tài sản của PVcomBank
Đe dọa tính bền vững
Theo báo cáo tài chính riêng quý III/2024 của PVcombank, tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 224.522 tỷ đồng, tăng 5.563 tỷ đồng, tương đương tăng 2,5%, so với cuối năm 2023.
Đóng góp lớn cho mức tăng này đến từ khoản lãi, phí phải thu của PVcomBank là 30.464 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng tài sản của Ngân hàng và tăng thêm 3.652 tỷ đồng so với đầu năm.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang sở hữu 52% vốn điều lệ của PVcomBank, có quyền thông qua gần như tất cả các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng.
Đáng chú ý, trong số trên, khoản lãi phải thu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty con thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại thời điểm 30/9 cũng lên tới gần 11 nghìn tỷ đồng.
Con số lãi, phí phải thu lên tới hàng tỷ đô (USD) cho thấy một lượng tiền “khổng lồ” từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng này đang bị “đóng băng”, không thể sinh lời, thậm chí, không có dấu hiệu thu lại được, khi tăng dần đều mỗi năm 2-3 nghìn tỷ đồng mỗi năm trong thời gian qua.
Ngoài ra, PVcombank còn khoản lãi cho vay chưa thu được lên tới 4.754 tỷ đồng đang hạch toán ngoại bảng. Đáng chú ý, khoản lãi không thu hồi được hạch toán theo dõi ngoại bảng đến từ những khoản nợ xấu, không có khả năng thu hồi.
Nếu cộng lại, số lãi, phí phải thu và không thu được từ hoạt động tín dụng của Ngân hàng lên tới hơn 35.000 tỷ đồng, cao gần gấp 4 lần vốn điều lệ của Ngân hàng này và “vênh” gấp 3,5 lần so với khoản thu nhập lãi từ hoạt động tín dụng của ngân hàng trong 9 tháng qua (10.687 tỷ đồng).
Con số này cũng cao nhất hệ thống, thậm chí, còn cao gấp 3-5 lần số lãi dự thu của các ngân hàng cho vay khách hàng đến cả triệu tỷ đồng. Nếu so với một số ngân hàng khác cùng quy mô, khoản, lãi, phí phải thu của các ngân hàng như ABBank, Bac A Bank… còn chưa bằng một phần của số lẻ con số lãi, phí phải thu của PVcomBank.
Theo các chuyên gia, khoản mục lãi phải thu trên báo cáo tài chính lớn luôn tỷ lệ thuận với rủi ro của ngân hàng tiềm ẩn trong tương lai. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động khó lường, lãi phải thu sẽ đe dọa đến tính bền vững trong hoạt động ngân hàng. Hơn nữa, lãi phải thu quá lớn không còn là câu chuyện riêng về quản trị tài chính của ngân hàng nữa, mà là tiền thực thu của ngân sách.
Thực tế, con số lãi dự thu quá lớn, trong một số trường hợp, không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai mà chính là nợ xấu tiềm ẩn. Điều này khiến lãi dự thu được quan tâm như một yếu tố khác bên cạnh nợ xấu để đánh giá chất lượng tài sản, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
Giả sử, nếu có trường hợp tích cực, thu được hết khoản lãi, phí này, PVcombank sẽ không còn nỗi lo về nợ xấu, chất lượng tài sản hay tăng trưởng lợi nhuận âm, thậm chí thua lỗ nữa. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một giả định!
Áp lực nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng
Một trong những điểm gây chú ý khác tại báo cáo tài chính quý III/2024 của PVcombank là khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn, “bào mòn” lợi nhuận của Ngân hàng.
Áp lực nợ xấu lớn buộc Ngân hàng này phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định, với con số lên tới 1.207 tỷ đồng, tăng gấp 25 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguyên nhân chính “kìm hãm” lợi nhuận, bất chấp nỗ lực cắt giảm chi phí của PVcomBank 9 tháng năm 2024.
Về nợ xấu, tại thời điểm 30/9/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của PVcomBank vẫn duy trì ở mức 3%, không tăng so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn lên tới 2.864 tỷ đồng, tăng gần 17% so với đầu năm.
Theo các chuyên gia, con số nợ xấu thực tế hiện nay tại các ngân hàng có thể cao gấp nhiều lần con số được công bố. Khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực vào cuối năm nay, nợ xấu sẽ tăng cao hơn, khi đó, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, chất lượng tài sản của ngân hàng vì thế sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2024, PVcombank báo lãi vỏn vẹn 15 tỷ đồng, sụt giảm 95% so với cùng kỳ năm 2023. Dù lãi ít, con số này vẫn là cải thiện hơn nhiều so với mức lỗ hơn 241 tỷ đồng trong quý trước của Ngân hàng.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, PVcombank ghi nhận lợi nhuận đạt 118 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận của Nhà băng này là thu nhập lãi cho cho vay giảm 5% so với cùng kỳ (tương đương giảm 477 tỷ đồng), cùng khoản thu lãi từ kinh doanh, đầu tư trái phiếu giảm 973 tỷ đồng so với cùng kỳ (-38,5%)…
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh khác của Ngân hàng đều có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước như dịch vụ thanh toán (-38%), bancassurance (-91%)... và khoản lỗ từ kinh doanh ngoại hối cũng đã phần nào kìm hãm tăng trưởng lợi nhuận của PVcomBank.
Nếu trong 3 tháng cuối năm nay, PVcombank vẫn lãi, duy trì được lợi nhuận ở con số dương (quý IV/2023, ngân hàng này đã báo lỗ 248 tỷ đồng), chỉ tiêu kế hoạch năm mà Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 đưa ra, 80 tỷ đồng, sẽ được hoàn thành vượt mức.
Bảo Ngọc