Dấu hỏi dòng tiền xoay vòng, VISC muốn bơm thêm tiền cho tự doanh và ký quỹ
Tăng vốn, đầu tư lớn để cho vay margin và tự doanh
ĐHĐCĐ CTCP Chứng khoán Đầu tư tài chính Việt Nam (VISC) thường niên mới đây thông qua một số nội dung quan trọng, trong đó có việc tăng vốn của công ty chứng khoán này trong năm 2025.
Trước đó, năm 2024, VISC cũng đã dự định phát hành cổ phiếu riêng lẻ tuy nhiên do thị trường chưa thuận lợi nên phương án chưa được triển khai. Kế hoạch này được trình lại trong đại hội năm nay và tiếp tục được thông qua.
Theo đó, VISC dự kiến chào bán 70 triệu cổ phiếu với giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến phát hành trong quý III/2025
Số tiền thu được từ đợt phát hành này nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty, cụ thể, VISC sẽ dành từ 450 - 550 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán và từ 150 - 250 tỷ đồng đầu tư cho mảng tự doanh chứng khoán. Tùy vào điều kiện thực tế và biến động của thị trường chứng khoán, giá trị giải ngân cho các nghiệp vụ trên có thể thay đổi nhằm giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích cho cổ đông.
Tại đại hội, VISC cũng có báo cáo về việc gia hạn thời gian nộp hồ sơ, tài liệu, giấy tờ liên quan đến khoản mua bán nợ và trách nhiệm của ban điều hành cũ giai đoạn 2013 - 2021.
Theo đó, hồ sơ mua bán nợ giữa VISC và CTCP Đầu tư Tài chính Kim Lân hết hạn vào quý IV/2024 do VISC chưa hoàn thiện việc cung cấp hồ sơ tài liệu. Công ty Kim Lân đã đồng ý gia hạn đến hết quý IV/2025.
Bên cạnh đó, ban điều hành cũ, cụ thể là ông Nguyễn Xuân Biểu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty giai đoạn 2013 - 2021 hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ phải thu và các khoản phát sinh (các khoản nợ xấu) theo báo cáo tài chính năm 2020. Kể từ 2022, mọi phát sinh liên quan đến nguồn gốc các khoản nợ xấu không thuộc trách nhiệm của ban điều hành mới, ban điều hành cũ sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc xử lý các khoản nợ này.
Năm 2024, VISC không hoàn thành các mục tiêu đề ra trong bối cảnh chung khó khăn của thị trường chứng khoán, trong đó doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và đầu tư tự doanh.
Ngoài các vấn đề liên quan đến thị trường chung, doanh thu của công ty chưa tối ưu được là do chưa đủ các nghiệp vụ để triển khai kinh doanh. Hiện công ty đang thực hiện việc đăng ký bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành và cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán.
Do công ty còn đang lỗ lũy kế sẽ không phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2024 để xóa lỗ. Mục tiêu năm 2025 là xóa hết lỗ lũy kế từ nguồn lợi nhuận để lại và các nguồn thặng dư vốn khác.
Năm 2025, VISC nhận định triển vọng thị trường chứng khoán sẽ bùng nổ từ việc nâng hạng thị trường cùng nhiều yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô. Từ đó, VISC đã trình cổ đông và được thông qua các mục tiêu năm 2025 tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh thu hoạt động mục tiêu đạt 77,3 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2024, trong đó hoạt động lãi từ cho vay và phải thu chiếm 27 tỷ đồng, dự kiến tăng mạnh so với mức 0,2 tỷ đồng năm ngoái. Tổng lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 38,2 tỷ đồng, tăng trưởng 52%.
Dòng tiền loanh quanh trong nhóm doanh nghiệp liên quan đến Chủ tịch Nguyễn Phúc Long
Trên báo cáo tài chính của công ty chứng khoán này, tính đến cuối năm 2024, lỗ lũy kế vẫn đang ghi nhận 112,7 tỷ đồng. Nguồn thặng dư vốn cổ phần là 14,6 tỷ đồng. VISC có nợ phải trả khá thấp (16,5 tỷ đồng) và không ghi nhận nợ vay tài chính.
Trong danh mục tự doanh của VISC vào thời điểm cuối năm 2024, công ty này đầu tư hơn 68,8 tỷ đồng vào cổ phiếu chưa niêm yết và 26,2 tỷ đồng vào duy nhất 1 cổ phiếu niêm yết là TIG của CTCP Tập đoàn đầu tư Thăng Long. Cuối 2024, khoản đầu tư vào TIG đang ghi nhận giá trị hợp lý là 42,4 tỷ đồng.
Còn danh mục các khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn dài hạn (HTM), VISC đầu tư tổng cộng 130 tỷ đồng vào 3 mã trái phiếu của 3 doanh nghiệp gồm CTCP Phân phối HDE, CTCP Thương mại sản xuất và Đầu tư Hà Thành, CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ đô.
Báo Đầu tư đã thông tin trước đó, cả 3 tổ chức phát hành này đều đồng loạt xin gia hạn trái phiếu ở mức tối đa là 2 năm, thời gian đáo hạn mới là năm 2027. Không những gia hạn thời gian, lãi suất ở 2 năm tới cũng giảm từ 12% xuống còn 9%/năm. VISC là bên sở hữu duy nhất của 3 mã trái phiếu trên và côn ty chứng khoán này đã đồng ý việc gia hạn với lý do “tiếp tục đầu tư để hưởng lợi tức cố định và mua bán thứ cấp hưởng chênh lệch giá”.
Danh mục đầu tư của VISC cho thấy dòng tiền của công ty chứng khoán này chủ yếu loanh quanh trong nhóm có liên quan với ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT VISC.
Ông Nguyễn Phúc Long hiện là Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn đầu tư Thăng Long (TIG), nơi VISC “all in” cổ phiếu niêm yết.
Đồng thời, cả 3 công ty mà VISC đang đầu tư trái phiếu đều xuất hiện trong danh sách phải trả của TIG với tổng giá trị phải trả dài hạn đúng bằng 130 tỷ đồng, trùng khớp với số tiền các công ty này huy động từ trái phiếu.
Thủy Triều