Dấu hỏi chất lượng tài sản của EVN Finance
Công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực (EVNFinance, HoSE: EVF) vừa công bố BCTC kiểm toán bán niên năm 2024 với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, thu nhập lãi thuần EVF có sự tăng trưởng đáng kể - tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 760,7 tỷ đồng. Lãi trước thuế 310,6 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh các con số doanh thu và lợi nhuận, điểm đáng chú ý trên BCTC của EVF là kiểm toán có ý kiến nhấn mạnh và lưu ý người đọc về khoản mục cho vay khách hàng và góp vốn, đầu tư dài hạn của BCTC giữa niên độ, trong đó mô tả các yếu tố có thể dẫn đến tính không chắc chắn của lợi ích kinh tế thu được trong tương lai của các khoản mục cho vay và đầu tư dài hạn khác của EVF.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý II/2024, EVF ghi nhận cho vay khách hàng đạt 37.969 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản và tăng hơn 13% so với cuối năm 2023. Trong đó, kiểm toán chỉ ra danh mục cho vay khách hàng của EVF bao gồm một số khoản cho vay (hơn 11.369 tỷ đồng) là các khoản cho vay ngắn hạn góp vốn vào các hợp đồng hợp tác kinh doanh để triển khai các dự án bất động sản dài hạn với tài sản bảo đảm là quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai.
Đáng chú ý, EVF cho một nhóm khách hàng vay 24.901 tỷ đồng là những pháp nhân có cùng người đại diện hoặc cùng tòa nhà làm việc. Đồng thời, hơn 11.606 tỷ đồng cho vay liên quan các dự án bất động sản chưa triển khai xây dựng tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính.
Ngoài ra, kiểm toán cũng chỉ ra 29.747 tỷ đồng dư nợ cho vay được định giá độc lập bởi một công ty thẩm định giá trong nhiều năm.
Chưa kể, đối với khoản mục Góp vốn, đầu tư dài hạn của EVNFinance (hơn 1.835 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2024), kiểm toán cũng nhấn mạnh một số khoản đầu tư góp vốn vào các công ty từ ngày thành lập có khoản mục phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và chưa phát sinh hoạt động kinh doanh đáng kể (hơn 1.137 tỷ đồng). Đồng thời, đầu tư góp vốn (626 tỷ đồng) vào các công ty là khách hàng vay của EVNFinance với tổng số dư nợ tại thời điểm 30/6/2024 lên tới 7.696 tỷ đồng.
EVNFinance của ai?
Được thành lập năm 2008, EVF ra đời giữa làn sóng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty vốn Nhà nước. Vốn điều lệ ban đầu của EVF là 2.500 tỷ đồng, với các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) và gần 65.000 cổ đông là tổ chức và cán bộ nhân viên ngành điện.
Bước ngoặt quan trọng xảy đến khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam triệt thoái vốn khỏi EVF giai đoạn 2019 - 2020. Đây cũng là thời điểm mà nhóm Tập đoàn Amber (Amber Holdings) bắt đầu hiện diện rõ nét tại EVF. Nhiều nhân sự cấp cao của Amber Holdings cũng chuyển sang nắm giữ các vị trí quan trọng của EVF.
Tính đến cuối năm 2023, EVF không có một cổ đông lớn nào. Tuy nhiên, sự khăng khít với nhóm Amber Holdings được thể hiện rõ ở HĐQT công ty.
Theo đó, ông Phạm Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT EVF là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng đại diện CTCP QNK Bắc Giang tại Hà Nội. Thành lập từ năm 2014, QNK Bắc Giang là chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng sân Golf, dịch vụ Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Dự án có tên thương mại Amber Hills Golf & Resort, và được đánh giá là một trong những dự án lớn của Amber Holdings.
Tương tự, Thành viên HĐQT Lê Mạnh Linh giữ vị trí lãnh đạo quản lý tại nhiều mắt xích quan trọng như CTCP Bánh kẹo Hải Hà, CTCP Quản lý quỹ Amber; Thành viên HĐQT Nguyễn Trung Thành là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Amya Holdings từ tháng 5/2022; Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Hải từng có thời gian công tác tại Amber Capital với vai trò Giám đốc Pháp chế.
Trong nửa đầu năm 2024, EVF cũng ghi nhận phát sinh các giao dịch nhận tiền gửi với một số pháp nhân cùng nhóm như CTCP Quản lý quỹ Amber; phát hành chứng chỉ tiền gửi cho cho QLQ Amber và Quỹ đầu tư trái phiếu an toàn Amber. Đáng chú ý, EVF còn cho CTCP Amya holdings vay 356,2 tỷ đồng.
MỘC MIÊN