1. Chứng khoán

Đánh giá mới nhất của FTSE Russell về thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo bản cập nhật ngày 8-10, thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng từ thị trường cận biên “frontier market” lên thị trường mới nổi hạng 2 “secondary emerging market”.

Tổ chức này đánh giá cơ quan quản lý Việt Nam đã có những động thái tích cực nhằm giải quyết vướng mắc còn tồn đọng để hướng đến nâng hạng thị trường.

Ngày 18-9 vừa qua, Bộ Tài chính thông qua Thông tư 68/2024/TT-BTC. Thông tư mới có nội dung đáng chú ý liên quan đến việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (non pre-funding) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, có hiệu lực thi hành từ ngày 2-11 tới.

Tuy nhiên, FTSE này giữ nguyên các đánh giá về tiêu chí chu kỳ thanh toán (DvP), quá trình đăng ký tài khoản mới, và việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại) hoặc sắp cạn room nước ngoài.

Thông báo mới nhất của FTSE Russell về tiến trình nâng hạng với một số thị trường chứng khoán. Nguồn: FTSE Russell

Bình luận với PLO ngay sau đánh giá của FTSE Russell, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – ông Nguyễn Thế Minh phán đoán thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được đưa vào danh sách nâng hạng từ tháng 3-2025, nhưng quyết định chính thức sẽ được đưa ra 6 tháng sau đó.

Trong khoảng thời gian nửa năm này, nhà đầu tư cần cẩn trọng. Bởi khá nhiều quỹ đầu cơ, chuyên mua vào theo quá trình nâng hạng, sau đó bán ra. Lúc ấy không thể loại bỏ kịch bản thị trường sẽ giảm điểm mạnh. Điều này đã từng xảy ra với một số thị trường như Pakistan, Argentina, Nigeria.

Chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán ACBS cũng kỳ vọng FTSE Russell sẽ đưa Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3-2025. Khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Dự kiến, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7-0,9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động”, nhóm phân tích ACBS nêu rõ.

Còn bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn bình luận rằng đánh giá của FTSE là một bước tiến, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam gần hơn các tiêu chí nâng hạng lên thị trường mới nổi. Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể đón dòng vốn từ các quỹ ETF lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động.

NGỌC DIỆP

Tin khác