Đại biểu Quốc hội hỏi quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về thành lập sàn giao dịch vàng
Tham gia chất vấn sáng 11-11, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho biết, so với thị trường bất động sản Trung Quốc thì dự nợ tín dụng bất động sản Việt Nam mới chiếm tỉ lệ là 20%, Trung Quốc có thời điểm cao hơn là 30%. Như vậy, vẫn còn dư địa cho vay bất động sản ở Việt Nam hiện nay. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Theo đại biểu, hiện nay, trên thế giới có rất nhiều nước thị trường phát triển cho phép thành lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng và mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Về câu hỏi của đại biểu liên quan đến dư nợ tín dụng đối với bất động sản khoảng 20-21% tổng dư nợ của nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các tổ chức tín dụng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào và tỷ lệ là bao nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của tổ chức tín dụng, tùy thuộc vào nguồn vốn của họ huy động.
80% tiền gửi ở Việt Nam là ngắn hạn nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản cũng cần đảm bảo nguyên tắc để người dân rút tiền. Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm không cho vay bất động sản.
Liên quan đến nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, một số nước trên thế giới có thành lập sàn vàng. Việc thành lập sàn vàng cũng có mặt tích cực là các giao dịch sẽ minh bạch; nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, để thành lập sàn vàng cũng cần đầu tư về cơ sở hạ tầng; hơn nữa Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng. Như vậy, để thành lập sàn vàng, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu và đánh giá tác động kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất với Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam...
Đặt vấn đề chất vấn liên quan đến nợ xấu, đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá tính hình nợ xấu ở nước ta hiện nay và những giải pháp để giải quyết vấn đề này?
Đại biểu đặt câu hỏi: “Nếu không xử lý được vấn đề nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cụ thể nào khi tình huống này xảy ra?”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hồng Nguyên về vấn đề nợ xấu tăng cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao.
Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.
Đối với trường hợp nợ xấu tăng cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân. Trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn, hệ thống các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực tài chính của mình để giảm được nhiều lãi suất cho khách hàng...
Huệ Linh