Đại biểu đề nghị Thống đốc làm rõ lộ trình bỏ room tín dụng
Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sáng nay (11/11), đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nhắc lại Nghị quyết chất vấn của Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiến tới dỡ bỏ điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng. Đại biểu chất vấn: Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nội dung này như thế nào, lộ trình tiến tới xóa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) ra sao?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, sau khi trả lời chất vấn Quốc hội vào tháng 5/2022 và sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, NHNN đã phân tích kỹ lưỡng thực trạng nền kinh tế Việt Nam cũng như hệ thống ngân hàng, đã tổ chức tham vấn ý kiến của các chuyên gia và thấy rằng, điều kiện bối cảnh hiện nay chưa thể bỏ cách thức điều hành tín dụng theo hạn mức.
Nguyên nhân là bởi thực trạng nền kinh tế hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào vốn ngân hàng, nếu không kiểm soát, mỗi tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vài chục phần tram mỗi năm như trước đây thì sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt là khi thị trường TPDN và thị trường chứng khoán chưa thể giải quyết được bài toán vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang rất cao, thường xuyên bị WB, ADB và nhiều chuyên gia quốc tế cảnh báo.
Chính vì vậy, với vấn đề này, NHNN đã báo cáo Thủ tướng chưa thể bỏ room tín dụng. Tuy vậy, NHNN cũng đã linh hoạt hơn trong điều hành room tín dụng. Cụ thể, NHNN cấp room tín dụng theo xếp loại của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, xét tổ chức tín dụng nào có khả năng mở rộng tín dụng nhưng vẫn đảm bảo an toàn, xét thêm mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn… Ngay từ cuối năm 2023, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tín dụng năm 2024 cho các ngân hàng (chỉ tiêu cả năm) và đến tháng 8/2024 lại đưa ra cơ chế điều chỉnh tự động mà không cần các ngân hàng phải đề nghị.
Hạn mức tín dụng được NHNN thực hiện từ năm 2011 đến nay. Theo Thống đốc, đặc thù của Việt Nam là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên có thời kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 30%, có những năm tăng hơn 50%, gây ra hệ lụy và rủi ro với hệ thống ngân hàng.
Liên quan tới ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thi về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-7,5% có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ hay không, bà Nguyễn Thị Hồng nói, việc điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu là góp phần ổn định giá trị đồng tiền. Biểu hiện của chính sách này thể hiện qua chỉ tiêu lạm phát.
"Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đó đương nhiên phải có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác như đầu tư, thương mại", bà nói.
Hiện nay, Việt Nam ưu tiên tăng trưởng kinh tế nên chính sách tài khóa mở rộng sẽ có trọng tâm, trọng điểm. Hiện chỉ số nợ nước ngoài, nợ công, thâm hụt ngân sách dưới ngưỡng cho phép khá nhiều. Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu mở rộng chính sách tài khóa hợp lý để tránh phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ. Bởi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn rủi ro với các ngân hàng.
Tuy nhiên, NHNN không chủ quan với lạm phát. Lạm phát quay trở lại thì NHNN sẽ điều chỉnh để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hiện Ngân hàng Nhà nước điều tiết tiền tệ hằng ngày qua các phiên giao dịch trên nghiệp vụ thị trường mở.
"Mỗi ngày chúng tôi thấy thanh khoản thiếu, sẽ đưa ra và thanh khoản dư thừa, tác động đến yếu tố như là tỷ giá, thì chúng tôi sẽ điều tiết", bà Hồng nói.
T.L