Cuối năm lãi suất huy động tiếp tục tăng, lãi vay có tăng theo
Lãi suất huy động đã lên mức 7%
Đến thời điểm này, đã có các ngân hàng tăng lãi suất huy động kể từ đầu tháng 11, gồm: VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, BVBank.
Trong đó, Agribank đã tăng lãi suất 0,2%/năm cho các kỳ hạn ngắn từ 1 - 5 tháng, đồng thời giảm 0,1%/năm với các kỳ hạn dài từ 6 - 11 tháng. Trước đó, trong tháng 9/2024, ngân hàng này cũng tăng 0,2%/năm cho kỳ hạn 1 - 2 tháng và 0,3%/năm cho kỳ hạn 3 - 5 tháng.
MB tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-4 tháng đồng loạt tăng thêm 0,2%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 5 tháng được MB điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm, lên 3,8%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng đến 18 tháng tăng 0,1% lên lần lượt mức mới 4,5%/năm và 5,1%.
Trong kỳ điều chỉnh lãi suất lần này, lãi suất huy động được VIB tăng thêm 0,3%/năm kỳ hạn 1-5 tháng, tăng thêm 0,2%/năm lãi suất kỳ hạn 6-36 tháng. Trước đó vào ngày 7/8, VIB đã điều chỉnh lãi suất huy động thêm 0,2%/năm với kỳ hạn từ 1-18 tháng.
Đối với ABBank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng vừa được nâng thêm 0,2 điểm %, đạt 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 7 - 11 tháng cũng tăng thêm 0,1 điểm %, hiện ở mức 5,6%/năm. Techcombank tuần qua cũng gia nhập cuộc đua tăng lãi suất. Theo đó, lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng được tăng thêm 0,1%.
Riêng BVBank có mức tăng lãi suất khá cao từ đầu tháng 11 khi triển khai chương trình dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm trên ứng dụng ngân hàng số Digimi. Theo đó, khách hàng mở sổ tiết kiệm đầu tiên sẽ được cộng ngay 0,6%/năm. Chương trình áp dụng cho các kỳ hạn gửi từ 1 - 6 tháng và số tiền gửi từ 10 triệu đồng trở lên.
Một số ngân hàng như PVCombank, GPBank, PGBank... dù chưa chính thức công bố điều chỉnh lãi suất, nhưng đã đặt biển quảng bá lãi suất cao tại các điểm giao dịch. Mức lãi suất này không được nêu trong biểu lãi suất chính thức, cho thấy các ngân hàng này đang có động thái linh hoạt để thu hút khách hàng.
Hiện, mặt bằng lãi suất bình quân kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng đã lên đến trên 4,3%/năm. Với kỳ hạn từ 12- 18 tháng trở lên, một loạt ngân hàng khác cũng niêm yết lãi suất cao nhất trên 6%/năm là Oceanbank, Saigonbank, BVBank, BAOVIETBank, HDBank…. Đáng chú ý, PVcomBank có mức lãi suất đặc biệt 9,5%/năm khi khách hàng gửi tiền tại quầy, cho kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để được trả mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Hay như HDBank, mức lãi suất cao nhất lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
Áp lực lãi suất cho vay
Đánh giá về tình hình lãi suất trong giai đoạn tới, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất huy động khó có khả năng giảm trong thời gian tới và sẽ duy trì ở mức cao so với đầu năm. Nguyên nhân do nhu cầu vốn tăng mạnh vào cuối năm khi các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, buộc các ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất hấp dẫn để thu hút tiền gửi.
Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu gia tăng khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hạn chế khả năng giảm lãi suất. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn có thể tăng thêm khoảng 50 điểm phần trăm, đạt mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024.
Nhận định của các công ty chứng khoán VDSC, MBS, cũng cho rằng do sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.
Sau cú rơi tự do vào cuối tuần trước, giá vàng trên thị trường thế giới tuần này tiếp tục giảm. Dự báo giá vàng trong nước tiếp tục sẽ chịu ảnh hưởng từ quốc tế. Ngược lại, giá USD quốc tế hiện nay đang ở mức cao, chỉ số USD-Index lên 105 điểm. Các chuyên gia quốc tế dự báo giá USD sẽ ở mức cao trong tuần này.
Đặc biệt là áp lực từ tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng trở lại vào tháng 10 với quy mô khoảng 124.000 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ tháng 3. Đồng thời, việc bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống, tuy nhiên, VDSC cho rằng quy mô hút tiền đồng qua kênh bán ngoại tệ là không đáng kể (khoảng 16.000 tỷ đồng).
Diễn biến thanh khoản của hệ thống trở nên căng thẳng vào những ngày đầu tháng 11 khiến lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên mức 6%, cao nhất kể từ tháng 3/2023.
Còn chưa đến 2 tháng nữa là kết thúc năm 2024, việc các ngân hàng đang tăng cường huy động vốn cho thấy chi phí vốn của các nhà băng cũng đi lên khiến các doanh nghiệp lo lắng lãi vay sẽ bị kéo lên theo.
Công ty Chứng khoán VDSC cho rằng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ khoảng 20 điểm cơ bản vào cuối năm 2024 vẫn nằm trong vùng an toàn. Lý do, ở chiều ngược lại FED hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân - ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đánh giá, nhu cầu tín dụng còn yếu, lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp nên lãi suất cho vay sẽ khó tăng theo. “Đa số các ngân hàng sẽ không tăng lãi suất cho vay trong suốt phần còn lại của năm 2024"- ông Huân dự báo.
“Chưa kể, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng đạt được mức tăng trưởng 15%, lãi suất cho vay phải được duy trì ở mức ổn định nhằm hỗ trợ kinh tế. Thế nên lãi vay cũng khó tăng mạnh"- TS Nguyễn Trí Hiếu chung nhận định.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sang năm 2025, NHNN tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15%, việc giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào yếu tố tỷ giá. NHNN cần cân bằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát gia tăng… NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Trâm Anh