Cuối năm, chọn nhóm đầu tư nào sinh lời?
Thị trường sắp bước vào chu kỳ tăng trưởng mới
Ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh Số của VPBankS cho rằng, nhà đầu tư đã phải chờ rất lâu để có sự bùng nổ như tuần qua, khi đã có nhiều thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK) như: Fed hạ lãi suất và thị trường phản ứng tích cực, VN-Index tăng trên 20 điểm, thanh khoản tăng 30%.
Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 9 đến nay, thị trường gặp khó khăn, thanh khoản giảm sút, nhiều cổ phiếu mua về chỉ sau hai ngày đã phải cắt lỗ. Do vậy, tuần trước là giai đoạn giao dịch mang lại hy vọng cho những nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào thị trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Đức cho rằng, đây là giai đoạn phù hợp cho nhà đầu tư mua cổ phiếu chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng sắp tới.
Về việc Fed giảm lãi suất, Giám đốc Kinh doanh Số của VPBankS cho rằng, phản ứng của nhà đầu tư thường chậm hơn so với lộ trình giảm lãi suất. Mặc dù chúng ta biết lãi suất sẽ giảm, nhưng không nhiều người nghĩ rằng sẽ có đợt giảm tới 200 điểm cơ bản nữa. Hơn nữa, lợi nhuận doanh nghiệp thường phản ánh chậm hơn so với lãi suất. Khi lãi suất giảm, doanh nghiệp phải mất khoảng 6 tháng đến 1 năm để hưởng lợi từ điều này.
Vì vậy, việc Fed hạ lãi suất sẽ cần từ 6 tháng đến 1 năm để tác động hoàn toàn lên thị trường chứng khoán. Do đó, thị trường có thể sẽ đi ngang từ bây giờ đến tháng 6 năm sau và chưa thể có xu hướng tăng mạnh ngay lúc này.
Về câu hỏi, liệu VN-Index có khả năng đạt 1.350 hay 1.400 điểm trong năm 2024 hay không, ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh Số của VPBankS cho biết, hiện tại các công ty chứng khoán và ngân hàng đều rất cẩn trọng, phần lớn chỉ kỳ vọng VN-Index đạt 1.350 điểm. Khi sự cẩn trọng này được phản ánh trên thị trường, sẽ tạo ra cơ hội; thị trường cần có bất ngờ để có thể tăng trưởng.
“Theo lịch sử, để thị trường có một xu hướng tăng mạnh, cần nhiều yếu tố kết hợp, không chỉ là việc Fed giảm lãi suất. Xu hướng tăng mạnh gần nhất vào năm 2015 có nhiều điểm tương đồng với tình hình hiện tại. Lúc đó, Trung Quốc suy thoái đã ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam, và Mỹ cũng lo lắng về khả năng suy thoái. Đồng thời, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng rất nổi bật. Tôi cảm nhận rằng các vấn đề hiện tại cũng tương tự, đang dần tích lũy để bứt phá”, ông Nguyễn Việt Đức cho hay.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Đức cho rằng, nếu năm 2015 là giai đoạn tích lũy để bứt phá vào năm 2016, thì năm 2024 có thể cũng là giai đoạn tích lũy để năm 2025 bứt phá, với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng vào tháng 9/2025.
Cuối năm, chọn nhóm nào đầu tư sinh lời?
Về thị trường chứng khoán trong tháng 10/2024, ông Nguyễn Việt Đức cho rằng thị trường sẽ khó tăng do năm nay có bầu cử ở Mỹ. Trước bầu cử, thường không có nhiều biến động. Sóng bầu cử sẽ chia thành hai đợt: Đợt đầu diễn ra vào tháng 8 và 9, khi các ứng cử viên đưa ra các kế hoạch kinh tế rõ ràng. Sau đó, thị trường sẽ đi ngang cho đến đầu tháng 11, khi bầu cử xong, sẽ có sóng tăng mạnh.
Do vậy, trong tháng 10 không có sự kiện nổi bật nào, nếu có điều chỉnh giảm, đây có thể là cơ hội để mua vào. Hơn nữa, lợi nhuận quý 3/2024 cũng sẽ không có đột biến, phải chờ đến quý 4/2024 mới mạnh hơn.
“Theo thống kê, nếu chỉ đầu tư từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau và để tiền đứng ngoài từ tháng 4 đến tháng 10, nhà đầu tư có thể kiếm được gấp 3 lần so với chỉ số”, ông Đức cho hay.
Nhận định về bức tranh lợi nhuận quý 3/2024, đại diện VPBankS cho biết, lợi nhuận sẽ phân hóa, ngành bất động sản vẫn khó khăn, song ngân hàng sẽ là động lực tăng trưởng của thị trường. Lãi suất đi xuống giúp ngân hàng nới rộng NIM, theo đó, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm chiến lược giúp nhà đầu tư kiếm lời từ giờ đến cuối năm.
Phùng Xuân