Cuộc đua CASA ngày càng gay cấn: Bảng xếp hạng Top 10 thay đổi liên tục
Tính đến hiện tại, các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2024. Trong đó, ngoài những chỉ tiêu như doanh thu và lợi nhuận, thì tỷ lệ CASA tại các ngân hàng cũng là thông tin thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư và thị trường.
CASA (Current Account Savings Account), hay còn gọi là tiền gửi không kỳ hạn, là khoản tiền mà khách hàng gửi vào ngân hàng để sử dụng trong các giao dịch thanh toán hàng ngày. Đây là hình thức tiền gửi linh hoạt, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thường xuyên và hưởng lãi suất không kỳ hạn.
Chỉ số CASA do đó trở thành một trong những thước đo quan trọng để đánh giá sức mạnh tài chính của một ngân hàng. Nó không chỉ phản ánh khả năng huy động vốn với chi phí thấp, mà còn chỉ ra tiềm năng sinh lời và khả năng tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng.
Giữa bối cảnh lãi suất tiền gửi có kỳ hạn chưa thực sự hấp dẫn và các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản đang được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao, nhiều nhà đầu tư lựa chọn gửi tiền tạm thời tại các ngân hàng để giữ cơ hội trong tầm tay khi thị trường có những biến động. Đây chính là yếu tố góp phần làm gia tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại các ngân hàng trong quý 3 vừa qua.
CUỘC ĐUA CASA NGÀY CÀNG GAY CẤN
Qua so sánh, ngân hàng Techcombank đã giành lại vị trí quán quân từ tay MB vào cuối quý 3 với tỷ lệ CASA đạt 40,5%, nhờ số dư CASA đạt mức cao kỷ lục 200.300 tỷ đồng. Tính chung tiền gửi của khách hàng tại Techcombank trong 9 tháng đầu năm nay đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm và 21% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Techcombank cho biết, ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực của huy động tiền gửi từ khách hàng là do ngay từ đầu năm 2024 đã ra mắt tính năng “kỷ nguyên sinh lời tự động”, thu hút sự quan tâm và sinh lợi tốt nhất cho khách hàng...
Vị trí á quân thuộc về ngân hàng MB với tỷ lệ CASA khi đạt 36,7%. Tỷ lệ này tương đương quý 1 nhưng giảm so với quý 2. Theo báo cáo tài chính, tổng mức tiền gửi tại MB cuối quý 3 đạt hơn 627.000 tỷ đồng, trong đó số dư tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi là hơn 223.000 tỷ đồng.
Quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng - Vietcombank xếp vị trí thứ ba với tỷ lệ CASA đạt 34,8%. Tính đến hết quý 3/2024, tổng số dư tiền gửi khách hàng tại Vietcombank đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với đầu năm.
MSB hiện đang giữ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng tỷ lệ CASA với mức đạt 24,2%. Tổng tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này trong 9 tháng đầu năm đã chạm mốc gần 148.500 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng hơn 12% so với đầu năm. Đặc biệt, khoản tiền gửi cá nhân chiếm ưu thế với hơn 79.470 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ước đạt gần 36.000 tỷ đồng. Cũng trong thời gian qua, tiền gửi có kỳ hạn tại MSB đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng gần 16%, từ 97.230 tỷ đồng vào cuối năm trước lên gần 112.500 tỷ đồng vào cuối quý 3.
Các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng tỷ lệ CASA cao nhất lần lượt thuộc về VietinBank (23,1%), ACB (22,2%), TPBank (19,3%), Eximbank (19%), BIDV (18,7%) và Sacombank (17,5%).
Bảng xếp hạng tỷ lệ CASA Top 10 đã có sự thay đổi rõ rệt khi VietinBank vươn lên vị trí thứ 5. Hai ngân hàng ACB và Eximbank cũng chứng kiến sự cải thiện đáng kể trong tỷ lệ CASA. Tuy nhiên, tại BIDV và Sacombank, chỉ tiêu này lại ghi nhận sự giảm sút. Đáng chú ý, VPBank rời khỏi Top 10 về tỷ lệ CASA vào cuối quý 3, xếp thứ 13 với tỷ lệ CASA là 14,1%.
Theo các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng tăng gần đây, tỷ lệ CASA trở thành một yếu tố then chốt thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Điều này là do lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thường thấp hơn nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ dao động từ 0,1-0,5%/năm. Do vậy, tỷ lệ CASA càng cao sẽ giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), từ đó mang lại lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.
Các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao, đồng thời duy trì chất lượng tín dụng và quản trị rủi ro tốt, sẽ giữ được nền lãi vay ổn định. Ngược lại, các ngân hàng với tỷ lệ CASA thấp và nợ xấu lớn có thể phải đối mặt với nguy cơ phải tăng lãi suất cho vay. Hơn nữa, các ngân hàng sở hữu lượng CASA lớn còn có khả năng điều tiết chi phí vốn linh hoạt hơn.
Với tình hình như vậy, nhiều chuyên gia dự báo rằng cuộc đua tăng tỷ lệ CASA trong hệ thống ngân hàng sẽ ngày càng trở nên gay gắt và không dễ dàng cho bất kỳ ngân hàng nào. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ CASA sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhờ vào sự hồi phục của nền kinh tế, thu nhập của người dân cải thiện, và lượng tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán sẽ gia tăng.
Dự báo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng CASA có thể sẽ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024, khi nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, thu nhập của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện, thúc đẩy nhu cầu chi tiêu. Hơn nữa, sự sôi động của các thị trường đầu tư như chứng khoán và bất động sản sẽ khuyến khích dòng tiền đổ vào các tài khoản thanh toán. Theo VCBS, lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp trong năm 2024, điều này cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho tỷ lệ CASA.
TIỀN GỬI DÂN CƯ VÀO HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TIẾP TỤC TĂNG
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tính đến hết tháng 8/2024 đạt 6.924.889,15 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. So với cuối tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 8 tăng thêm 86.475 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính bình quân theo ngày, trong tháng 8, mỗi ngày có 2.882 tỷ đồng của người dân được gửi vào ngân hàng.
Trong khi đó, lượng tiền gửi từ các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tại các ngân hàng đạt 6.838.341,69 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm trước. Tuy nhiên, trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn, ở thời điểm cuối tháng 7, lượng tiền mà doanh nghiệp và tổ chức kinh tế gửi thêm vào ngân hàng là 69.586 tỷ đồng.
Tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 đạt kỷ lục hơn 13,76 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Lượng tiền tiết kiệm được người dân gửi vào ngân hàng đã tăng liên tiếp trong suốt 2 năm nay.
Tại cuộc họp báo thường kỳ về hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho biết tổng tiền gửi tính đến cuối tháng 10 ước đạt 14,5 triệu tỷ đồng.
Theo các chuyên gia tài chính, sự thận trọng của nhà đầu tư trước các kênh như chứng khoán, bất động sản... là một trong những nguyên nhân chính khiến dòng tiền tiếp tục đổ vào ngân hàng.
Đặc biệt, giá vàng quốc tế biến động mạnh (tăng hơn 50% kể từ đầu năm) đã làm gia tăng rủi ro khi đầu tư vào vàng. Còn để tích trữ vàng, người dân thường chỉ mua khi giá mặt hàng này ổn định.
Mặt khác, lãi suất huy động cũng có xu hướng tăng kể từ tháng 4. Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đang niêm yết lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng từ 5-5,8%/năm và từ 4,5-4,8%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng.
Hồng Phương