1. Tài chính

'Cú sốc' tổng cầu khiến doanh nghiệp chế biến chế tạo lao đao

Hơn 60% doanh nghiệp bị giảm ít nhất 20% doanh thu

WB cho rằng, sức cầu trong nước đang suy giảm trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19 và niềm tin của người tiêu dùng yếu đi.

Tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cuối giảm chỉ còn 2,7% trong 6 tháng đầu năm 2023, so với mức 6,1% trong cùng kỳ năm trước.

Tổng cầu giảm cũng được phản chiếu ở phía sản xuất (tổng cung) của nền kinh tế. Sự suy giảm cầu xuất khẩu ở lĩnh lực công nghiệp giảm xuống 0,4 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2023, so với 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh hưởng của của tổng cầu xuất khẩu “trầm trọng” hơn do tình trạng thiếu điện liên tục ở miền Bắc trong tháng 5 và tháng 6/2023, khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn, tổn thất ước tính là 0,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đóng góp 2,8 điểm phần trăm cho tổng tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm 2023 so với 2,9 điểm phần trăm cùng kỳ năm trước nhờ khu vực nhà hàng khách sạn đạt kết quả tốt.

WB ra mắt bản cập nhật kinh tế “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”.

“Các doanh nghiệp và thị trường lao động đều chịu ảnh hưởng tiêu cực khi kinh tế “trầm xuống”. Qua một khảo sát với 10.000 doanh nghiệp vào tháng 4/2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (trực thuộc Chính phủ), 60,1% các doanh nghiệp cho biết doanh thu bị giảm ít nhất 20% trong 4 tháng đầu năm 2023, 59,2% cho biết đơn hàng bị giảm và 71,2% cho biết phải cắt giảm ít nhất 5% lao động trong 4 tháng đầu năm”, báo cáo trích dẫn.

Về vấn đề việc làm, theo WB, tính trên toàn quốc, tỷ lệ tăng trưởng việc làm quý II giảm từ 2,2% xuống còn 1,4% so với quý I/2023, thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 4% trước COVID-19.

“Cú sốc tổng cầu bên ngoài đặc biệt gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người lao động trong các lĩnh vực chế tạo chế biến, định hướng xuất khẩu.

Trong đó, một số địa bàn xuất khẩu trọng tâm như khu vực Đông Nam Bộ (bao gồm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận) phải chứng kiến số người được phê duyệt nhận trợ cấp thất nghiệp tăng vọt gần 62% trong quý II so với quý I/2023”, báo cáo cho thấy.

Giải pháp để tăng trưởng bền vững

Báo cáo “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng” của WB cho rằng, bên cạnh đầu tư công, các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế chững lại thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo đảm an sinh xã hội cũng là cách hỗ trợ cho tổng cầu.

Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng cần cải tiến cách tiếp cận lựa chọn đối tượng và cơ chế cung cấp hỗ trợ trong hệ thống an sinh xã hội, sao cho cơ chế này trở thành công cụ linh hoạt hỗ trợ cho những người dễ tổn thương khi gặp cú sốc kinh tế.

Hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nên được thực hiện song hành với việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Bởi nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp (mặc dù lãi suất đã giảm), việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Đó là chưa kể đến việc cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá.

Cú sốc về tổng cầu được cho là đặc biệt ảnh hưởng tới doanh nghiệp chế biến chế tạo.

Để xử lý rủi ro tài chính và nguy cơ dễ tổn thương trong khu vực tài chính đang gia tăng, cần có những cải cách nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng. Tăng cường cơ chế, thể chế về giám sát an toàn; can thiệp sớm, xử lý các ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng.

Những cải cách đó, theo WB sẽ giúp các cấp có thẩm quyền giám sát và can thiệp hiệu quả vào những tổ chức tài chính có vấn đề, ngăn ngừa khủng hoảng leo thang và giảm thiểu rủi ro hệ thống.

Cơ chế chặt chẽ về xử lý các ngân hàng yếu kém sẽ tạo điều kiện xử lý có trật tự trong trường hợp ngân hàng mất khả năng trả nợ, bảo vệ người gửi tiền và bảo đảm ổn định tài chính, điều đó đóng một vai trò quan trọng.

Đợt cải cách cơ cấu mới cần được thực hiện để giúp nâng cao năng suất và tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Đồng thời, tiếp tục cải cách nhằm giảm nhẹ gánh nặng quy định hành chính cho các doanh nghiệp là điều kiện cần để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.

“Quan trọng hơn, tái triển khai cải cách doanh nghiệp Nhà nước có thể là cách tạo xúc tác nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nâng cao năng suất và nâng cao hiệu quả tổng thể của nền kinh tế”, WB nhấn mạnh.

Cũng theo WB, Chính phủ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầy đủ hơn vào các hoạt động kinh tế, tăng đóng góp cho tăng trưởng bền vững. Nâng cao khả năng chống chịu của các mặt hàng xuất khẩu trong trung hạn để giảm nhẹ những rủi ro liên quan đến cú sốc về tổng cầu bên ngoài.

“Đa dạng hóa các mặt hàng và địa chỉ xuất khẩu là cách để giảm phụ thuộc vào những thị trường và sản phẩm cụ thể. Qua đó, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với những biến động kinh tế trên toàn cầu.

Đồng thời, khai thác đầy đủ các hiệp định thương mại tự do hiện hành cũng sẽ mở ra các cơ hội thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế với các quốc gia đối tác”, WB khuyến nghị.

Hà Anh

Tin khác