COP29: Những lo ngại về kế hoạch dùng 'đòn bẩy tài chính' để ứng phó với biến đổi khí hậu
Tại hội nghị khí hậu COP29 của Liên hợp quốc đang diễn ra tại Azerbaijan, vấn đề tài chính đang là tâm điểm của các cuộc đàm phán. Họ đang làm việc về một khoản tiền mới, để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu và phục hồi sau thiên tai. Khoản tiền đó sẽ thay thế cho mục tiêu 100 tỷ đô la hàng năm đã được đặt ra từ năm 2009.
Ba câu hỏi lớn đang đặt ra tại COP29 về tài chính khí hậu: Số tiền là bao nhiêu, dưới hình thức nào và ai sẽ đóng góp. Theo ông Yalchin Rafiyev, nhà đàm phán chính, việc xác định con số tài trợ cụ thể là thách thức lớn nhất và chỉ có thể giải quyết sau khi các bên đạt được đồng thuận về hai vấn đề còn lại.
Các quốc gia phát triển đang dè dặt trong việc đưa ra con số khởi điểm để đàm phán. Do đó, Rafiyev cho biết chủ trì hội nghị đang gây áp lực lên họ, nhấn mạnh với "các quốc gia phát triển rằng con số này phải công bằng và đầy tham vọng, phản ánh đúng nhu cầu và ưu tiên của thế giới".
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, Kirti Vardhan Singh, người tham gia các cuộc đàm phán tại Baku, cho biết "các quốc gia ở Nam bán cầu đang phải gánh chịu một gánh nặng tài chính rất lớn".
Khoản tiền có thể ở dạng cho vay, tài trợ hoặc đầu tư
Các chuyên gia ước tính rằng số tiền cần thiết cho tài chính khí hậu là 1 nghìn tỷ đô la, trong khi các quốc gia đang phát triển cho rằng họ sẽ cần tới 1,3 nghìn tỷ đô la. Tuy nhiên, các nhà đàm phán cũng thảo luận về hình thức của khoản tài trợ đó nữa.
Cho đến nay, các nước phát triển vẫn chưa đưa ra một con số cụ thể về số tiền mà họ sẵn sàng đóng góp. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu dự kiến sẽ công bố đầu tiên, và có thể sẽ rơi vào khoảng từ 200 đến 300 tỷ đô la mỗi năm. Thậm chí, có ý kiến cho rằng con số này có thể lên đến gấp bốn lần so với mục tiêu ban đầu là 100 tỷ đô la, theo ông Luca Bergamaschi, đồng sáng lập viện nghiên cứu ECCO của Ý.
Nhưng 200 tỷ đô la và 1,3 nghìn tỷ đô la là rất khác biệt. Avinash Persaud, cố vấn khí hậu của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, cho biết khoảng cách này có thể thu hẹp nhờ vào "sức mạnh của đòn bẩy tài chính".
Theo Bộ trưởng Môi trường Ireland Eamon Ryan, các nước phát triển phải đưa ra những cam kết chắc chắn để hỗ trợ các nước đang phát triển, nếu không sẽ là một "sự thiếu trách nhiệm”.
Các quốc gia đang phát triển lo phải gánh thêm nợ
Nếu tài chính khí hậu chủ yếu dưới hình thức cho vay thông qua "đòn bẩy tài chính", các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ sẽ càng thêm gánh nặng, theo Michai Robertson, nhà đàm phán tài chính khí hậu của Liên minh các quốc đảo nhỏ.
Tổ chức của Robertson cho rằng phần lớn trong số 1,3 nghìn tỷ đô la mà họ yêu cầu nên được cung cấp dưới dạng các khoản tài trợ và các khoản vay dài hạn với lãi suất rất thấp, giúp dễ dàng trả nợ hơn. Ông Robertson cũng cho biết chỉ khoảng 400 tỷ đô la trong tổng số này nên được cung cấp dưới dạng các khoản vay có đòn bẩy.
Đòn bẩy từ các khoản vay sẽ là một phần quan trọng của giải pháp, nhưng các khoản tài trợ và xóa nợ cũng vậy.
Theo bà Rohey John, Bộ trưởng Môi trường Gambia, việc các quốc gia giàu không cam kết tài chính cho thấy "họ không quan tâm đến sự phát triển" của các nước đang phát triển.
“Mỗi ngày, các quốc gia nghèo lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng có thể phá hủy cả một cộng đồng hoặc thậm chí một quốc gia, trong khi nguyên nhân của những thảm họa này không phải do họ gây ra”.
Tuyên bố tích cực của G20
Quyết định của G20 về tài chính khí hậu đã mang lại một tín hiệu tích cực, thúc đẩy tinh thần của các nhà đàm phán tại COP29, như ông Luca Bergamaschi, giám đốc đồng sáng lập của ECCO đã nhận định.
"Các nhà lãnh đạo G20 đã gửi một thông điệp rõ ràng tới các nhà đàm phán tại COP29: đừng rời Baku nếu chưa có một mục tiêu tài chính khí hậu mới". Đây là một tín hiệu quan trọng trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nợ và những tác động khí hậu ngày càng gia tăng, gây ra thiệt hại khổng lồ, gián đoạn chuỗi cung ứng và làm gia tăng lạm phát trong tất cả các nền kinh tế.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và nhà hoạt động vẫn bày tỏ lo ngại sâu sắc khi tuyên bố của G20 bỏ qua yêu cầu chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, một mục tiêu đã được nhấn mạnh trong các cuộc đàm phán khí hậu trước đó.
Hà Trang (theo COP29, CNN)