Công ty 1 tháng tuối chi hơn 1.200 tỷ đồng mua cổ phiếu Ngân hàng VIB
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Ngân hàng VIB, mã cổ phiếu VIB - sàn HoSE) đã có thông báo về việc Công ty Cổ phần Unicap mua vào gần 67 triệu cổ phiếu VIB vào ngày 24/9. Qua đó, tỷ lệ sở hữu của Unicap tại Ngân hàng VIB là 2,24% vốn cổ phần.
Tạm tính theo giá kết phiên giao dịch 24/9 của cổ phiếu VIB là 19.100 đồng/cổ phiếu, ước tính Unicap đã chi ra khoảng 1.273 tỷ đồng để sở hữu số cổ phiếu VIB trên. Trước khi diễn ra giao dịch này, Unicap không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu VIB nào.
Đáng chú ý, Unicap mới chỉ thành lập cách đây 1 tháng vào ngày 4/9/2024 với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thùy Nga và bà Tống Ngọc Mỹ Trâm cùng sở hữu 49,5% vốn điều lệ. Công ty này chủ yếu bán buôn thực phẩm, thực hiện quyền xuất nhập khẩu, phân phối buôn bán hàng.
Về mối liên hệ, bà Nguyễn Thùy Nga - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Unicap đang sở hữu hơn 70 triệu cổ phiếu VIB, tương ứng 2,351% vốn cổ phần Ngân hàng VIB. Trong khi đó, bà Tống Ngọc Mỹ Trâm - thành viên HĐQT Unicap sở hữu gần 98 triệu cổ phiếu VIB, tương ứng 3,288% vốn cổ phần Ngân hàng VIB.
Như vậy, nhóm cổ đông Unicap đang sở hữu tổng cộng 222,6 triệu cổ phiếu VIB, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 7,47% vốn cổ phần Ngân hàng VIB.
Dựa trên dữ liệu giao dịch trên thị trường chứng khoán, một số tổ chức tài chính cho rằng có thể Unicap đã giao dịch thỏa thuận với cổ đông ngoại chiến lược của Ngân hàng VIB là Ngân hàng Commmonwealth Bank of Australia (CBA) để mua vào lượng cổ phiếu trên.
Cụ thể, trong phiên giao dịch 24/9, CBA đã bán ra 148 triệu cổ phiếu VIB theo phương thức thỏa thuận với tổng giá trị đạt 2.664 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối lượng mua vào đối ứng của khối ngoại bằng 0, do đó bên mua số cổ phiếu trên là nhà đầu tư trong nước.
Sau khi bán xong số cổ phiếu trên, tỷ lệ sở hữu của CBA tại Ngân hàng VIB giảm từ 19,74% xuống còn 14,78% vốn điều lệ. Hiện CBA đang triển khai lộ trình thoái vốn khỏi Ngân hàng VIB.
Liên quan đến vấn đề trên, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, cổ đông Ngân hàng VIB đã thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) tại Ngân hàng VIB từ 20,5% xuống còn 4,99%.
Như vậy, khi tiến hành thoái vốn, CBA chỉ được phép bán ra cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Ngân hàng VIB bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Như vậy, CBA chỉ có thể bán lại cổ phần tại Ngân hàng VIB cho các nhà đầu tư trong nước.
Duy Quang