Có phương án để người dân và doanh nghiệp tiếp cận nhanh vốn vay ưu đãi phục hồi kinh tế
Sáng 11/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Các vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng được đông đảo đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn; trong đó, nổi lên vấn đề quản lý thị trường vàng, hỗ trợ tái thiết sau bão số 3 (bão Yagi).
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh về các vấn đề nóng được trao đổi tại nghị trường sáng nay.
Phóng viên: Sáng nay, phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận được nhiều sự quan tâm theo dõi của cử tri cả nước. Bà đánh giá như thế nào về không khí cũng như các vấn đề được đặt ra trong sáng ngày hôm nay?
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy: Ngân hàng là một trong ba lĩnh vực được chất vấn đầu tiên trong kỳ chất vấn lần này. Chỉ trong vòng buổi sáng nay, có tới 76 đại biểu đăng ký chất vấn. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của đại biểu và của cử tri đối với các lĩnh vực liên quan đến ngân hàng là rất lớn và trong đầu giờ phiên chất vấn, có 20 ý kiến phát biểu; trong đó, tôi đánh gần 1/3 ý kiến liên quan đến quản lý thị trường vàng. Như vậy cho thấy sự quan tâm đặc biệt của đại biểu quốc hội về vấn đề quản lý thị trường vàng.
Phóng viên: Các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đề cập đến tình trạng quản lý thị trường vàng hiện nay, chẳng hạn như việc ngân hàng chỉ bán mà không mua vào gây khó khăn cho người dân. Theo bà, phần trả lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thỏa đáng chưa?
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy: Phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tôi cho là rất rõ ràng và đi thẳng vào các vấn đề mà đại biểu quan tâm, không né tránh. Theo tôi, các chính sách được minh bạch sẽ tạo ra sự đồng thuận của đại biểu và người dân đối với sự điều hành của Chính phủ nói chung, của ngành ngân hàng nói riêng.
Thực tế, giá vàng trong nước bị ảnh hưởng rất lớn từ thị trường vàng thế giới, bởi Việt Nam không phải là quốc gia sản xuất vàng, mà phải nhập vàng từ thế giới.
Tôi rất hài lòng với phần trả lời sáng nay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thống đốc đã làm rõ rất nhiều các nội dung liên quan đến quản lý thị trường vàng mà kể cả những người không am hiểu về lĩnh vực ngân hàng, kinh tế vẫn có thể hiểu được.
Chẳng hạn như vấn đề hiện nay ngân hàng chỉ bán vàng mà không mua lại. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải thích rất rõ ràng có rất nhiều yếu tố; trong đó, một trong những yếu tố đó là Việt Nam không phải là một quốc gia sản xuất vàng, mà là quốc gia nhập khẩu vàng. Như vậy, Việt Nam không có được sự chủ động như một số quốc gia khác. Do vậy, việc điều hành đối với thị trường vàng hiện nay là một thách thức rất lớn và khó khăn của ngân hàng.
Nếu nhìn nhận một cách công bằng, sự nỗ lực của ngân hàng phải được ghi nhận. Nhất là bối cảnh hiện nay đã khác hoàn toàn với bối cảnh cách đây 10 năm, 20 năm. Với bối cảnh quốc tế hiện nay, giá vàng biến động hằng ngày, hằng giờ, đòi hỏi sự nỗ lực, trách nhiệm và những sáng suốt trong điều hành chính sách tiền tệ liên quan đến quản lý thị trường vàng.
Phóng viên: Bên cạnh những vấn đề về thị trường vàng, đại biểu còn quan tâm đến những lĩnh vực nào của ngành ngân hàng?
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy: Ngoài lĩnh vực vàng, tôi còn rất quan tâm đến việc ban hành và thực hiện các chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất sau thiên tai, dịch bệnh.
Một trong những chính sách rất được quan tâm, đó là chính sách tiền tệ và chính sách hỗ trợ vốn vay, miễn giảm lãi suất cho các doanh nghiệp và người dân vay để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, qua các kỳ họp, Quốc hội đã đánh giá vấn đề này còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn này rất khó khăn do các thủ tục, các điều kiện đặt ra còn ràng buộc.
Việt Nam vừa trải qua cơn bão số 3 (bão Yagi) ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt là cơn bão này diễn ra vào giai đoạn gần cuối năm và dịp Tết sắp đến, rất nhiều người dân và doanh nghiệp phải chịu hậu quả rất lớn. Ngân hàng cũng đã có chính sách hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp ưu đãi, giúp người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và phục hồi kinh tế.
Các chính sách này về bản chất mục tiêu rất nhân văn và phù hợp, nhưng tôi vẫn băn khoăn ở cách thức thực hiện, các thủ tục, các bước để tiếp cận, để người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận dễ dàng hơn, đây là một bài toán được đặt ra. Tôi cho rằng, phải có phương án phù hợp để người dân và doanh nghiệp tiếp cận nhanh, từ đó giải ngân nhanh nguồn vốn này./.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Thúy Hiền – Văn Giáp/ BNEWS/TTXVN (thực hiện)