1. Chứng khoán

Cổ phiếu TAL của Taseco Land hiện tại có hấp dẫn nhà đầu tư?

Cổ phiếu TAL của Taseco Land hiện tại có hấp dẫn nhà đầu tư?

Taseco Land "phát quà" cho cổ đông

Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land, UPCoM: TAL) mới đây thông báo về việc dự kiến chào bán 14,85 triệu cổ phiếu, tương đương 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 20:1 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới).

Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau chào bán, Taseco Land có thể thu về 148,5 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 3.118,5 tỷ đồng.

Công ty cho biết sẽ dùng toàn bộ số tiền huy động được bổ sung cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đây là dự án khu công nghiệp đầu tiên của TAL, vừa được khởi công đầu tháng 8/2024.

Mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu có thể xem là một “món quà” đối với cổ đông hiện hữu của Taseco Land. Bởi so với giá đóng cửa phiên 25/9 là 18.500 đồng/cổ phiếu, mức giá chào bán đang thấp hơn tới 46%.

Tuy nhiên, “món quà” này mang ý nghĩa là “của để dành” nhiều hơn, bởi thực tế cho thấy kể từ khi lên sàn tới nay, TAL hầu như không có “sóng”. Đã vậy, thị giá còn sụt giảm 12% so với thời điểm lên sàn. Có thời điểm, cổ phiếu xuống đáy còn hơn 16.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ khi niêm yết và giảm 36% so với mức đỉnh chào sàn.

Diễn biến giá cổ phiếu TAL (Nguồn: VPS)

Đây là diễn biến khá bất ngờ, bởi trước khi lên sàn, Taseco Land được kỳ vọng là sự lựa chọn cho nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu bất động sản, đặc biệt ở khu vực phía Bắc. Xét về quy mô tổng tài sản (gần 10.000 tỷ đồng), Taseco Land có thể "ngồi chung mâm" với các doanh nghiệp tốp đầu miền Bắc như: CEO, Hải Phát Invest, Văn Phú Invest, Sunshine Homes,...

Nếu so sánh với các cổ phiếu của các doanh nghiệp trên, thì chỉ số P/E và P/B của Taseco Land khá thấp.

Vì sao TAL kém hấp dẫn?

Trên thực tế, Taseco Land là một trong những doanh nghiệp bất động sản đáng chú ý hiện nay. Công ty này sở hữu danh mục dự án đồ sộ, trải rộng trên nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Bình…

Tình hình kinh doanh các năm qua của công ty cũng khá tốt. Giai đoạn 2021 – 2023, Taseco Land ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh, từ 744 tỷ đồng lên 3.237 tỷ đồng, tức tăng gấp 4,3 lần. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 131 tỷ đồng lên 472 tỷ đồng, tức tăng 3,6 lần.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, công ty đã đánh mất phong độ. Bán niên 2024, mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng 87% so với cùng kỳ năm trước, đạt 938 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng gấp 2 lần, đạt 228 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 17 tỷ đồng, giảm khoảng 2%.

Nguyên do chính khiến lợi nhuận đi thụt lùi là chi phí tài chính rất lớn, ở mức 97 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ; ngoài ra còn do chi phí quản lý tăng 18%.

Sự gia tăng chi phí tài chính bắt nguồn từ việc Taseco Land đã liên tục đẩy mạnh vay mượn, nâng quy mô nợ lên mức rất lớn. Cụ thể, từ năm 2022 đến năm 2023, nợ vay đã tăng gấp 2,8 lần, từ 1.165 tỷ đồng lên 3.262 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn – tăng 9,4 lần trong cùng giai đoạn, đạt 2.136 tỷ đồng. Đến thời điểm kết thúc quý II/2024, nợ vay đứng ở mức 3.193 tỷ đồng.

Khoản nợ vay rất lớn đã khiến chi phí tài chính của Taseco Land từ 19 tỷ đồng (năm 2022) tốc biến lên 99 tỷ đồng (năm 2023), tăng 5,2 lần. 6 tháng đầu năm 2024, chi phí tài chính đã lên tới 96,7 tỷ đồng – tức gần bằng cả năm 2023.

Bảng lưu chuyển tiền tệ cho thấy số tiền chi trả lãi vay của công ty đã tăng lên vùn vụt theo thời gian, từ 111 tỷ đồng (năm 2022) lên 123 tỷ đồng (năm 2023) rồi 156 tỷ đồng (trong nửa đầu năm 2024).

Để hình dung thêm về mức độ “nghiện” vay mượn của Taseco Land, có thể nhìn vào dòng tiền thu từ đi vay hàng năm. Giai đoạn 2022 – 2023, dòng tiền này đã tăng dữ dội từ 1.661 tỷ đồng lên 4.167 tỷ đồng, tức tăng gấp 2,5 lần.

Nguồn biểu đồ: PV tổng hợp từ báo cáo tài chính TAL

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh của công ty dù ghi nhận lợi nhuận rất lớn, song lại không thể mang về “tiền tươi”. Các năm 2022 – 2023, dòng tiền kinh doanh âm rất nặng, lần lượt âm 218 tỷ đồng và âm 1.311 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư trong cùng giai đoạn cũng âm nặng, lần lượt âm 347 tỷ đồng và âm 904 tỷ đồng.

Bởi vậy, có thể thấy, công ty đang sống nhờ vào dòng tiền đi vay. Và chi phí tài chính cao ngất ngưởng, khiến lợi nhuận bị bào mòn là cái giá tất yếu phải trả.

Không chỉ có những vấn đề về kết quả kinh doanh và dòng tiền, Taseco Land cũng gây quan ngại cho giới đầu tư bởi chất lượng tài sản có phần kém lành mạnh.

Cụ thể, từ 2021 đến 2023, hàng tồn kho của Taseco Land đã tăng cả nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đến cuối tháng 6/2024, giá trị hàng tồn kho đã đạt tới 4.129 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, tăng 69% so với năm 2022 và tăng 2,8 lần so với năm 2021, chiếm 43,3% tổng tài sản.

Việc hàng tồn kho quá lớn là một chỉ dấu đáng ngại đối với doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong giai đoạn thanh khoản vẫn đang rất yếu như hiện nay. Thực tế cho thấy, Taseco Land bán hàng không tốt lắm khi kết thúc năm 2023, số dư người mua trả tiền trước ngắn hạn chỉ là 25 tỷ đồng, giảm khoảng 190 tỷ đồng so với đầu năm. 6 tháng đầu năm 2024, số dư này cũng chỉ tăng thêm 18 tỷ đồng, đạt 43 tỷ đồng vào thời điểm kết thúc tháng 6/2024.

Taseco Land khởi công dự án KCN hỗ trợ Đồng Văn III hồi tháng 8. Ảnh: TAL.

Cũng cần lưu ý rằng giỏ hàng của Taseco Land tại thị trường tốt nhất là Hà Nội đã gần cạn. Các dự án mà công ty đang triển khai chủ yếu nằm tại các tỉnh, mà thị trường tỉnh năm 2024 và dự báo 2025 vẫn còn khá khó khăn. Như vậy, việc “chôn vốn” tại các dự án dở dang nhiều khả năng sẽ khiến công ty càng đối diện nhiều hơn với rủi ro thanh khoản và ngày càng lệ thuộc vào vay nợ.

Bên cạnh hàng tồn kho, các khoản phải thu và tài sản dở dang dài hạn của Taseco Land cũng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng tài sản. Tổng tỷ trọng của 3 hạng mục này trong các năm 2022 – 2023 và bán niên 2024 lần lượt đạt 84%, 82% và 83% - phản ánh cấu trúc tài sản đang có dấu hiệu mất cân đối, tiềm ẩn những rủi ro cho doanh nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên Taseco Land phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu như trên đã nói. Những diễn biến nêu trên cho phép nội suy rằng công ty này đang chịu sức ép không nhỏ từ việc vay mượn, nên phải huy động tới vốn chủ để có tiền đầu tư dự án.

Và với một tương lai có phần bất định như vậy, việc nhà đầu tư không mặn mà với cổ phiếu TAL cũng là dễ hiểu, nhất là khi bối cảnh ngành bất động sản không có nhiều điểm sáng trong năm 2024.

Nhật Minh

Tin khác