1. Chứng khoán

Cổ phiếu PV Drilling trượt dài theo đà lao dốc của giá dầu

Giá dầu “quay đầu”

Việc giá dầu neo cao từ năm 2022 đến nửa đầu năm 2024 tạo ra nhiều câu chuyện kỳ vọng về ngành dầu khí, từ nhóm thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu nhóm ngành này tăng cao liên tục trong một thời gian dài. Tuy nhiên, gần đây, dữ liệu kinh tế Trung Quốc không được như kỳ vọng dẫn tới lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu suy giảm, đồng thời nguồn dầu đá phiến của Mỹ tăng cao, khiến giá dầu giảm trở lại.

Thống kê từ ngày 4/7 đến 16/8, giá dầu Brent đã giảm 16,4%, từ 87,4 USD/thùng về 73,1 USD/thùng. Nếu nhìn rộng ra từ đầu năm tới nay, giá dầu Brent đã giảm 24,25%, từ mức 96,5 USD/thùng và vẫn tiếp xu hướng giảm.

Việc giá dầu quay đầu giảm dẫn tới sự thoái trào của nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt là nhóm cổ phiếu thượng nguồn. Thống kê từ ngày 2/4 đến 16/9, cổ phiếu thượng nguồn PVD của PV Drilling đã giảm 27,22%, từ 34.900 đồng/cổ phiếu về 25.400 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, cổ phiếu PVD đã giảm dưới vùng hỗ trợ 25.900 - 26.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời giao dịch dưới đường MA200 và vẫn tiếp tục xu hướng phá đáy khi dòng tiền suy yếu, nhà đầu tư không còn giao dịch sôi động như giai đoạn giá dầu liên tục tăng cao và neo vùng giá cao như cách đây hơn 1 năm.

Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital đánh giá: “Ban đầu, nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu nhóm thượng nguồn dầu khí hưởng lợi khi giá dầu neo cao, việc giá dầu không còn neo cao đã kích hoạt động thái bán ra và chốt lời cổ phiếu dầu khí. Vì vậy, việc cổ phiếu PVD liên tục giảm, phá đáy chủ yếu liên quan tới việc nhà đầu tư lo ngại hoạt động kinh doanh khó khăn khi giá dầu lao dốc trong tương lai, hơn là tình hình kinh doanh ở thời điểm hiện tại”.

Tình hình kinh doanh của PV Drilling ra sao?

Trái với diễn biến giá cổ phiếu, PV Drilling liên tục báo cáo kết quả kinh doanh khả quan trở lại. Cụ thể, sau khi lỗ 154,86 tỷ đồng trong năm 2022, năm 2023, PV Drilling lãi 545,94 tỷ đồng và trong nửa đầu năm 2024, tiếp tục tăng lợi nhuận thêm 33,79%, tương ứng tăng thêm 70,9 tỷ đồng, lên 280,7 tỷ đồng.

Bên cạnh việc các giàn khoan có việc làm trở lại khi giá dầu tăng cao, việc điều chỉnh phương pháp tính khấu hao đã giảm đà lao dốc đáng kể đối với lợi nhuận. Trong đó, PV Drilling đã thay đổi phương pháp ghi nhận khấu hao từ khấu hao đường thẳng sang số giờ hoạt động của giàn khoan vào năm 2016, đồng thời cắt giảm tối đa chi phí quản lý doanh nghiệp. Năm 2019, PV Drilling tiếp tục kéo dài thời gian tính khấu hao từ 20 năm lên 35 năm với các giàn khoan jack-up PVD II, PVD III và PVD VI nhằm cải thiện số liệu tài chính, tăng cơ hội thắng thầu.

Việc thay đổi phương pháp khấu hao giúp PV Drilling giảm chi phí khấu hao, làm đẹp báo cáo tài chính. Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi, tình hình kinh doanh chỉ mới khởi sắc trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, việc giá dầu đang quay đầu giảm trong khi các “cách” làm đẹp báo cáo không còn nhiều dư địa, sẽ là một thách thức đối với PV Drilling.

Theo dữ liệu của IEF và S&P Global, tổng vốn đầu tư cho hoạt động thượng nguồn của ngành dầu khí ước đạt 603 tỷ USD trong năm 2024, cao hơn gấp đôi so với năm 2020 và tăng lên 738 tỷ USD vào năm 2030 để đảm bảo đủ nguồn cung và duy trì mức tăng trưởng ròng từ năm 2024 đến 2030 là 3,4%.

Dự báo tích cực, đầu năm 2024, PV Drilling đã thông qua kế hoạch phân bổ 90 triệu USD vốn xây dựng cơ bản trong năm nay để mua lại một giàn khoan jack-up, giàn khoan đã hoạt động 15 năm nhằm phục vụ thị trường trong nước (cơ cấu 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay). Đồng thời, doanh nghiệp lên kế hoạch mua thêm một giàn khoan khác thông qua liên doanh với đối tác nước ngoài, nhưng chưa công bố cụ thể.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc PV Drilling chia sẻ, việc giá dầu hiện ở mức cao, thị trường giàn khoan khởi sắc, nhu cầu thuê và giá thuê đều tăng. Các chương trình khoan, thăm dò khai thác cùng việc hủy giếng, sửa giếng tại các nước trong khu vực cũng tăng. Điều này dự kiến là động lực tăng trưởng cho PV Drilling trong năm 2024 và những năm sau đó. Tuy vậy, nền kinh tế dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức tác động trực tiếp đến ngành năng lượng khiến doanh nghiệp đưa ra mục tiêu thận trọng hơn.

“Hy vọng đến năm 2025, PV Drilling sẽ hoàn thành các kế hoạch tái cơ cấu đặt ra. Đến nay, các giàn khoan sở hữu của doanh nghiệp đã ký hợp đồng và có việc làm ổn định, xuyên suốt năm 2024 và sang năm 2025”, ông Nguyễn Xuân Cường tự tin.

Theo Phòng phân tích của Công ty Chứng khoán DSC, nguồn cung giàn khoan tại khu vực Đông Nam Á tiếp tục khan hiếm khi hầu hết các giàn khoan đã được điều động sang khu vực Trung Đông, trong khi nhu cầu vẫn chưa hạ nhiệt. Theo đó, giá cho thuê các giàn khoan tại Đông Nam Á đang ở mức 146.000 USD/ngày, vì vậy hỗ trợ giá cho thuê giàn khoan tự nâng ở mức cao.

Duy Bắc

Tin khác