Cổ phiếu PTX tăng 46 lần trước khi chuyển sàn
Đang “trắng” giao dịch bỗng liên tục tăng trần…
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch hơn 64,3 triệu cổ phiếu PTX của Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh (Petrolimex Nghệ Tĩnh) tại thị trường UPCoM từ ngày 30/9/2024 để chuyển sang niêm yết trên HNX.
Trước đó, cổ phiếu PTX chào sàn UPCoM ngày 30/7/2018 với khối lượng ban đầu là 3,45 triệu đơn vị, nhưng không có giao dịch trong thời gian dài, mỗi khi có giao dịch thì giá đều giảm mạnh với thanh khoản nhỏ giọt, chỉ còn 200 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/8/2020.
Từ đầu tháng 7/2024 đến nay, giao dịch cổ phiếu PTX trở nên sôi động và giá tăng nhanh, từ 1.300 đồng/cổ phiếu ngày 1/7 lên 18.400 đồng/cổ phiếu ngày 26/9. Nếu so với mức 400 đồng/cổ phiếu đầu năm 2024, giá cổ phiếu này tăng 46 lần, còn so với mức đỉnh 21.400 đồng/cổ phiếu ngày 24/8 thì mức tăng là 53,5 lần.
Do cổ phiếu tăng “nóng” trong thời gian ngắn, Petrolimex Nghệ Tĩnh phải giải trình với cơ quan quản lý.
“Diễn biến tích cực này chủ yếu do yếu tố cung - cầu trên thị trường chứng khoán. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường. Hiện tại, toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn đang diễn ra bình thường và ổn định”, công văn giải trình ngày 13/7/2024 của Petrolimex Nghệ Tĩnh cho biết.
… dù biên lợi nhuận mỏng, kế hoạch 2024 đi lùi
Petrolimex Nghệ Tĩnh được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Xí nghiệp Vận tải Xăng dầu, vốn điều lệ ban đầu là 7,5 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đại diện nguồn vốn nhà nước nắm giữ 30% vốn.
Từ năm 2004 đến 2023, sau 6 lần tăng vốn, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng lên 64,3 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước tăng lên 51% từ năm 2004 và giữ nguyên đến nay. Tháng 8/2017, Petrolimex thành lập Tổng công ty Dịch vụ Xăng dầu Petrolimex (PTC) và chuyển giao phần vốn tại Petrolimex Nghệ Tĩnh cho PTC quản lý.
Petrolimex Nghệ Tĩnh hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực vận tải xăng dầu, bán buôn và bán lẻ xăng dầu, đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới. Trong đó, dịch vụ vận tải xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi với 81 đầu xe, bao gồm 21 xe đầu kéo có dung tích bình quân 40 m3/xe, đáp ứng nhu cầu vận chuyển xăng dầu cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, một phần Thanh Hóa, Quảng Bình và nước Lào.
Về kết quả kinh doanh, từ năm 2017 đến nay, trừ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Petrolimex Nghệ Tĩnh đều ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ở mức thấp.
Đơn cử, năm 2022 và 2023, Công ty ghi nhận doanh thu 2.177 tỷ đồng và 2.094 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 10,3 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng; biên lợi nhuận ròng 0,47% và 0,59%, trong khi theo tiêu chuẩn chung, doanh nghiệp có biên lợi nhuận ròng trên 10% mới được coi là hoạt động hiệu quả.
Sáu tháng đầu năm 2024, Petrolimex Nghệ Tĩnh đạt doanh thu gần 1.076 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 38% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, doanh nghiệp hoàn thành 58% mục tiêu doanh thu và 88% mục tiêu lợi nhuận năm 2024. Tuy nhiên, kết quả này dựa trên kế hoạch “đi lùi”: doanh thu 1.843 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10,3 tỷ đồng, giảm 12% và 14% so với mức thực hiện năm ngoái.
Hàng năm, Petrolimex Nghệ Tĩnh chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ từ 8 - 15%. Ngày 30/6/2024, doanh nghiệp trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 15%. Cổ tức năm 2024 dự kiến là 10%.
Minh Minh