Cổ phiếu ngân hàng còn nhiều dư địa tăng?
Thực tế, ngân hàng là nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền tích cực trong tuần qua, ghi nhận mức phục hồi vượt trội so với các nhóm khác, gồm: TCB, CTG, ACB, BID, MBB, VCB, VPB và SSB. Số cổ phiếu này mang về cho chỉ số gần 10,4 điểm. Trong đó, TCB là cổ phiếu tăng điểm tích cực nhất tuần với đóng góp hơn 2,3 điểm.
Cồ phiếu nhà băng rục rịch "nóng" trở lại
Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tác động mạnh mẽ đến xu hướng thị trường, dẫn dắt đà phục hồi và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Nhóm ngân hàng tăng trưởng tích cực chủ yếu nhờ thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) xuống còn 4%/năm, từ mức 4,25%/năm duy trì từ đầu tháng 8. Đây là lần thứ 2, NHNN giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng qua.
Ngoài câu chuyện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất thì nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng được hưởng lợi từ kỳ vọng mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) lên nhóm mới nổi của FTSE đến gần hơn khi một trong những “nút thắt” của tiến trình này là quy định ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) với nhà đầu tư nước ngoài đã được gỡ bỏ trong tuần qua.
Theo giới phân tích, nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi, dòng vốn ngoại có thể quay trở lại mạnh mẽ, giúp TTCK Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn, trong đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm ngân hàng là tâm điểm thu hút dòng tiền ngoại.
Ông Đỗ Hồng Anh, chuyên gia tư vấn và quản lý tài sản Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, ngành ngân hàng là ngành có mối quan hệ trực tiếp nhất với lãi suất, vì lợi nhuận chính của các ngân hàng đến từ việc cho vay, do đó khi Fed hạ lãi suất, lãi suất tại Việt Nam cũng giảm, dẫn đến chi phí vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân giảm. Điều này thúc đẩy nhu cầu vay vốn, từ đó tăng doanh thu cho các ngân hàng từ việc cấp tín dụng.
Ông Hồng Anh lấy dẫn chứng, thời điểm Fed hạ lãi suất vào năm 2020, các ngân hàng Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng mạnh về nhu cầu tín dụng. Cụ thể, Vietcombank (VCB) và Techcombank (TCB) đều chứng kiến giá cổ phiếu tăng đáng kể nhờ mở rộng cho vay và khả năng tăng lợi nhuận từ việc cung cấp các dịch vụ tài chính.
“Lợi thế của ngành ngân hàng không chỉ dừng lại ở tín dụng, mà còn ở các khoản đầu tư và quản lý tài sản. Khi lãi suất thấp, các khoản vay thế chấp và vay mua nhà tăng mạnh, tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng quy mô tài sản, nâng cao biên lợi nhuận từ các khoản cho vay dài hạn”, chuyên gia Mirae Asset phân tích.
Kỳ vọng lớn vào cuối năm
Các chuyên gia cho biết, mặt bằng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua cũng có sự điều chỉnh nhẹ, khiến cho mức định giá của đa số các mã đang về mức thấp hơn bình quân 3 năm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng đang có chất lượng tài sản ổn định, có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong cuộc đua tín dụng cho giai đoạn sắp tới. Do đó, đây là nhóm cổ phiếu được đánh giá cao trong bối cảnh hiện nay.
“Quý III/2024, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ phân hóa, ngành bất động sản vẫn khó khăn, song ngân hàng sẽ là động lực tăng trưởng của thị trường. Lãi suất đi xuống giúp ngân hàng nới rộng NIM, theo đó, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm chiến lược giúp nhà đầu tư kiếm lời từ giờ đến cuối năm”, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số của VPBankS nhận định.
Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán TPS, chỉ số P/E của toàn ngành ngân hàng ở mức 9,07 lần vào ngày 10/9/2024, thấp hơn mức trung bình trong vòng 5 năm qua (10,8 lần) và đã phục hồi đáng kể từ mức đáy trong vòng 1 năm qua (8,6 lần). Mức P/E hiện tại vẫn còn dư địa để phục hồi trong năm nay.
Còn chỉ số P/B toàn ngành ngân hàng đang ở mức 1,46 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm qua là 1,8 lần và ở gần mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại (1,43 lần). Do đó, cổ phiếu ngành này còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng khi nhu cầu tín dụng có dấu hiệu quay trở lại.
Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 7/9/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 7,15% so với đầu năm.
Những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực, tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn. Thời điểm này của năm 2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,33% nhưng cuối năm vẫn gần đạt được con số mục tiêu đặt ra là 13,71%.
NHNN cũng đang nỗ lực đưa mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống tiếp. Số liệu từ cơ quan quản lý cho thấy, hiện mặt bằng lãi suất cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%/năm, giảm 0,86% so với cuối năm 2023; lãi suất huy động trung bình là 3,84%/năm, tăng 0,23%/năm.
Tương tự, kết quả sàng lọc của Chứng khoán Mirae Asset nêu rõ, các cổ phiếu ngành ngân hàng là một trong số các ngành có tiềm năng tăng trưởng cao trong dài hạn.
Công ty chứng khoán này khuyến nghị cổ phiếu ngành ngân hàng nên chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục vì khả năng tạo lợi nhuận ổn định, tỷ lệ ROE cao và câu chuyện thực hiện tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm để đạt mục tiêu 15% ban đầu NHNN đặt ra. Bên cạnh đó, câu chuyện về việc Fed hạ lãi suất và nâng hạng thị trường kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính cho thị trường chung trong trung và dài hạn. Các cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý là TCB, TPB, HDB, BID, ACB, CTG.
Tuy nhiên, Chứng khoán TPS vẫn đưa ra lưu ý, xu hướng mở rộng NIM của ngân hàng có thể chậm lại trong cuối năm 2024 khi dư địa giảm của chi phí vốn không còn nhiều, nhưng mức cải thiện 0,1 - 0,2% vẫn khả thi.
Hải Giang