Cổ phiếu KBC và FPT giảm sàn, VN-Index mất gần 17,5 điểm trong phiên 16/4
Trong phiên giao dịch sáng, sự thận trọng của cả bên bán và bên mua khiến thị trường giằng co trong biên độ hẹp quanh tham chiếu và đóng cửa giảm nhẹ.
Bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán ở các mã bluechip bất ngờ gia tăng, kéo nhiều mã giảm sâu, đặc biệt là FPT bị bán mạnh, giảm xuống mức kịch sàn 107.900 đồng, khớp hơn 18 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng giảm khá mạnh, nhưng VIC và GVR giảm 3,69% xuống 67.900 đồng và 23.500 đồng, MSN giảm 3,59% xuống 56.400 đồng, BCM giảm 5,31% xuống 53.500 đồng. Các mã SAB, PLX, VHM cũng giảm trên dưới 2%.
Các mã ngân hàng vốn có giao dịch tích cực trong phiên sáng, là điểm đỡ chính cho thị trường, cũng đồng loạt quay đầu giảm với mức giảm từ hơn 1% đến hơn 1,5% như VCB, BID, CTG, LPB, VIB; một số giảm nhẹ hơn như STB, TCB, VPB, MBB. Chỉ còn TPB, NAB, SHB, ACB, HDB, SSB tăng nhẹ.
Lực kéo từ các mã bluechip này đã khiến VN-Index giảm dần đều trong phiên chiều, có lúc xuống dưới ngưỡng 1.205 điểm trước khi thoát đáy trong nửa cuối phiên. Tuy nhiên, lực cầu yếu khiến thanh khoản sụt giảm so với phiên hôm qua, đứng ở mức thấp nhất 4 phiên.
Chốt phiên VN-Index giảm 17,45 điểm (-1,42%), xuống 1.210,3 điểm với 153 mã tăng, chưa bằng một nửa so với 319 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 818,9 triệu đơn vị, giá trị 19.465 tỷ đồng, giảm 23,5% về khối lượng và 19,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 56,6 triệu đơn vị, giá trị 1.438,9 tỷ đồng.
Như đã đề cập, cổ phiếu FPT hôm nay bị xả mạnh khi còn dư bán sàn tới hơn 1 triệu đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới hơn 4,5 triệu đơn vị. Cổ phiếu này bị bán mạnh sau cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2025 diễn ra chiều 15/4 với bài trình bày đáng chú ý về chiến lược 2025 - 2027 của Tập đoàn.
Trong khi đó, với nhóm bất động sản công nghiệp, ngoài BCM và GVR, KBC cũng bị bán mạnh, thậm chí còn xuống mức kịch sàn 20.600 đồng. Ngoài ra, SZC cũng giảm 3,9% xuống 29.600 đồng.
Với nhóm thép, SMC bất ngờ đi ngược dòng khi tăng kịch trần lên 7.470 đồng, cùng với đó là TLH và TNI tăng nhẹ, DTL, NKG đứng tham chiếu, còn lại là giảm. Trong đó, HSG giảm mạnh 3,21% xuống 13.550 đồng, HPG cũng giảm 1,35% xuống 25.500 đồng.
Về thanh khoản, SHB là mã có khối lượng khớp lớn nhất với 44,58 triệu đơn vị, tiếp đến là VIX hơn 30,5 triệu đơn vị, HPG hơn 25,7 triệu đơn vị, MBB và KBC hơn 21 triệu đơn vị.
Rung lắc trên sàn HOSE cũng lan sang sàn HNX trong phiên chiều khi chỉ số chính của sàn này đang giằng co nhẹ quanh tham chiếu đã bị đẩy lùi sâu trước khi bật nhẹ trở lại, hãm bớt thiệt hại khi đóng cửa phiên.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,83 điểm (-0,40%) xuống 209,41 điểm với 69 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 70 triệu đơn vị, giá trị 1.087 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16 triệu đơn vị, giá trị 167 tỷ đồng.
SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất là 9,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,72% lên 14.000 đồng. Ngoài ra, có 4 mã có thanh khoản từ hơn 4,2 triệu đơn vị đến gần 5 triệu đơn vị, trong đó có 3 mã tăng nhẹ là MBS và CEO, 1 mã đứng giá là PVS và mã còn lại giảm là IDC (giảm 1,96%).
UPCoM cũng giảm dần đều trong phiên chiều theo 2 sàn niêm yết trước khi cũng kịp thoát mức đáy của ngày khi đóng cửa phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,64 điểm (-0,70%), xuống 90,39 điểm với 118 mã tăng và 176 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,7 triệu đơn vị, giá trị 537,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,8 triệu đơn vị, giá trị 167 tỷ đồng.
HNG là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường UPCoM với gần 4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,08% xuống 6.300 đồng. Tiếp đến là BVB khớp 2,5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,64% xuống 12.000 đồng. Ngoài ra, có thêm 6 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có duy nhất MSR giảm, ABB và BCR đứng giá, các mã còn lại tăng nhẹ, ngoại trừ APP đóng cửa ở mức kịch trần (+14,29%) 7.200 đồng.
Thị trường phái sinh hôm nay biến động theo thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng tương lai giao tháng 4 của chỉ số VN30 có mức giảm ngang với VN30. Cụ thể, VN30F2504 giảm 17,7 điểm (-1,35%), xuống 1.290 điểm với 245.598 hợp đồng được chuyển nhượng, tương đương giá trị 31.968 tỷ đồng; khối lượng mở 32.327 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền hôm nay có 2 mã có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị đều do SSI phát hành là CMSN2502 và CVRE2405. Trong đó chứng quyền của MSN đứng giá tham chiếu, còn của VRE tăng 13,43% lên 760 đồng.
Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hôm nay có 6,95 triệu đơn vị được giao dịch, tổng giá trị 5.533,5 tỷ đồng. Trong đó, có 3 mã có thanh khoản trên 1.000 tỷ đồng (2 mã của ngân hàng) là ACB12302 của ACB, SGJ12304 của Sài Gòn Capital và LPB12410 của LPBank. Trong khi 2 mã trái phiếu do BIDV phát hành có khối lượng giao dịch lớn nhất, lần lượt là 3,82 triệu đơn vị (BID12203), giá trị 401,78 tỷ đồng và 1,5 triệu đơn vị (BID12205), giá trị 157,59 tỷ đồng.
T.Lê