1. Chứng khoán

Cổ phiếu của 'vua gạo' một thời tiếp đà lao dốc

Trước đà lao dốc này, cổ phiếu AGM đã khiến thị trường chú ý bởi 9 phiên tăng trần liên tiếp, dù hoạt động kinh doanh vẫn chưa tạo được lợi nhuận. Nhưng nếu so với mức giá cuối tháng 3/2024 là 8.050 đồng/cp, thị giá AGM vẫn mất khoảng 40%, vốn hóa thị trường của công ty cũng giảm khoảng một nửa.

Cổ phiếu AGM tiếp tục giảm sàn trong phiên sáng 23/9.

Ngay khi cổ phiếu AGM tăng trần 5 phiên liên tiếp, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã có văn bản yêu cầu Angimex phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng biến động giá cổ phiếu.

Trong văn bản giải trình, Angimex cho biết tình hình thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu từ khách hàng truyền thống tăng lên. Tuy nhiên, việc Ấn Độ đang xem xét nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo đang được xem là yếu tố có thể khiến thị trường xuất khẩu gạo cuối năm 2024 có nhiều biến động.

Bên cạnh đó, siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng cho các loại cây trồng chủ lực như lúa, ngô tại các tỉnh miền Bắc. Nguy cơ thiếu hụt lương thực dẫn đến biến động tăng giá trong nước có thể đã làm gia tăng kỳ vọng của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp.

Angimex khẳng định cổ phiếu AGM tăng trần 5 phiên liên tiếp do cung cầu trên thị trường chứng khoán, các quyết định của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty và Angimex không có sự tác động nào đến giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Đáng chú ý, sau khi giải trình, thị giá cổ phiếu AGM vẫn không giảm sức “nóng”.

Angimex từng được biết đến là doanh nghiệp khẩu gạo hàng đầu tại Việt Nam và từng nằm trong hệ sinh thái Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân. Sóng gió ập đến vào năm 2022, nhóm Louis gặp biến cố khi ông Đỗ Thành Nhân bị truy tố về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Sau thời điểm đó, hoạt động kinh doanh của AGM liên tục lao dốc. Hai năm 2022 - 2023, Angimex liên tục thua lỗ hàng trăm tỷ, qua đó đẩy lỗ lũy kế cao hơn vốn điều lệ, dẫn đến nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.

Kinh doanh lao dốc cộng thêm việc vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu AGM thường xuyên "nhận thẻ vàng". Thậm chí hồi tháng 9/2023, cổ phiếu này đã bị đình chỉ giao dịch và phải tới tháng 3/2024 vừa qua mới được giao dịch trở lại. Hiện tại, cổ phiếu AGM vẫn thuộc diện kiểm soát của HoSE do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2024.

Theo báo cáo soát xét bán niên, trong nửa đầu năm 2024, Angimex tiếp tục lỗ thêm 98,32 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 54,69 tỷ đồng và nếu nhìn rộng ra, Angimex đã trải qua hai năm lỗ liên tiếp khi lỗ 234,16 tỷ đồng trong năm 2022 và tiếp tục lỗ thêm 214,92 tỷ đồng trong năm 2023.

Thêm nữa, với việc tiếp tục lỗ trong nửa đầu năm 2024, tính tới 30/6/2024, Angimex đang ghi nhận tổng lỗ lũy kế 264,29 tỷ đồng, bằng 145% vốn điều lệ (vốn điều lệ 182 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu ghi nhận âm 82,29 tỷ đồng (đầu năm, vốn chủ sở hữu dương 21,8 tỷ đồng).

Châu Anh

Tin khác