Cổ phiếu công nghệ kéo chứng khoán Mỹ lên đỉnh mốc mới
Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Dow Jones tăng 36,86 điểm (+0,09%) đạt 43.275,91 điểm, S&P 500 thêm 23,2 điểm (+0,4%) lên 5.864,67 điểm và Nasdaq Composite leo 115,94 điểm (+0,63%) thành 18.489,55 điểm.
Đáng chú ý nhất trong phiên là hoạt động vượt trội của cổ phiếu Netflix, tăng “phi mã” 11,1% lên mức kỷ lục khi báo cáo kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng của Phố Wall. Diễn biến này đã hỗ trợ cho đà tăng 0,9% của dịch vụ truyền thông, giúp đây trở thành lĩnh vực khả quan nhất trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500. Ngành công nghệ thông tin cũng tăng 0,5%.
Nhiều cổ phiếu công nghệ lớn, bao gồm nhóm Magnificent Seven, cũng đồng loạt đi lên. Cụ thể, Apple tăng 1,2% nhờ dữ liệu cho thấy doanh số iPhone mới tăng mạnh ở Trung Quốc, trong khi Nvidia leo 0,8% sau tin tức BofA Global Research nâng dự báo giá cổ phiếu.
“Thị trường hiện tại giống như không có điều gì đáng phàn nàn cả. Dữ liệu kinh tế tích cực, lạm phát giảm và báo cáo lợi nhuận của các công ty đều lạc quan”, David Waddell, Giám đốc điều hành Waddell & Associates nhận xét.
Duy nhất chỉ có ngành năng lượng là lĩnh vực giảm điểm trong S&P 500, mất 0,4% do giá dầu giảm và SLB mất 4,7% sau báo cáo lợi nhuận kém khả quan. Điều này cũng kéo Baker Hughes và Halliburton hạ lần lượt 1,3% và 2,1%.
Ngoài ra, đà tăng của Dow Jones đã phần nào bị kìm hãm bởi American Express, giảm 3,1%, sau khi kết quả kinh doanh quý 3 không đạt kỳ vọng. Dù vậy, các tổ chức tài chính khác nhìn chung báo cáo lợi nhuận tích cực, nhưng chỉ số ngân hàng S&P Banks vẫn giảm 0,1% và chấm dứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng thu hút được giới đầu tư trong những phiên vừa qua, khi mà Russell 2000 và S&P Small Cap 600 đều có thành tích tốt hơn cả các chỉ số lớn. Tuy nhiên, cả hai đã giảm nhẹ vào phiên thứ Sáu.
Cổ phiếu CVS Health mất 5,2% sau khi công ty thay thế CEO Karen Lynch bằng David Joyner và rút dự báo lợi nhuận năm 2024. Thông tin này cũng tác động tiêu cực đến các công ty bảo hiểm y tế khác như Cigna và Elevance Health, với Elevance mất 3,1% và đóng cửa ở mức thấp nhất trong gần 15 tháng.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,62 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 11,56 tỷ trong 20 phiên vừa qua.
Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều đã có tuần tăng thứ sáu liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ cuối năm 2023. Trong tuần, S&P 500 tăng 0,9%, Nasdaq Composite tiến 0,8%, và Dow Jones thêm 1%.
GIÁ DẦU GIẢM MẠNH
Trên thị trường năng lượng, hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,39 USD, tương đương 1,87%, xuống 73,06 USD/thùng, giá dầu WTI chốt ở mức 69,22 USD/thùng, giảm 1,45 USD, tương đương 2,05%.
Trong tuần, dầu Brent đã ghi nhận mức giảm 7% và WTI giảm 8% - đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể 2/9 khi cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2024 và 2025.
Tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – Trung Quốc - tăng trưởng kinh tế trong quý 3 có dấu hiệu chậm nhất kể từ đầu năm 2023 dù cho tiêu dùng và sản lượng công nghiệp tháng 9 vượt dự đoán. “Trung Quốc hiện là yếu tố then chốt tác động đến nhu cầu, cho nên điều này đã đè nặng lên giá dầu hôm nay”, ông John Kilduff, đối tác của Again Capital tại New York chỉ ra.
Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc cũng giảm tháng thứ sáu liên tiếp vì biên lợi nhuận thấp và tiêu thụ nhiên liệu yếu. Ngoài ra, cựu trưởng bộ phận dầu mỏ của IEA, nhà phân tích năng lượng độc lập Neil Atkinson tin rằng xe điện Trung Quốc cũng là một rào cản mà thị trường dầu mỏ không thể bỏ qua.
Kim Nguyễn