1. Chứng khoán

Cổ phiếu chứng khoán bất ngờ tăng mạnh, thanh khoản vẫn cạn kiệt

VN-Index đã có "nến rút chân".

VN-Index suy yếu đáng kể trong phiên chiều, chỉ số rơi hẳn xuống tham chiếu do tác động mạnh từ nhóm blue-chips. Tuy nhiên dòng tiền bắt đáy đã hoạt động tích cực hơn ở vùng giá sâu, giúp nhiều cổ phiếu phục hồi. Chỉ có điều dòng tiền không lan tỏa đủ tốt, kéo thanh khoản chung hôm nay xuống đáy 14 phiên.

Trái với kỳ vọng về diễn biến tốt hơn trong phiên chiều sau khả năng cầm cự của 30 phút cuối phiên sáng. Ngay sau giờ nghỉ sức ép bán ra đã tăng, đẩy VN-Index rơi xuống vùng đỏ chỉ sau 40 phút đầu tiên. Độ rộng đảo ngược so với phiên sáng xác nhận sức lực bán xuất hiện ở số lớn cổ phiếu chứ không đơn thuần là ép trụ. Chỉ số chạm đáy lúc 2h20 chiều, giảm gần 6 điểm trước khi phục hồi những phút cuối. Đóng cửa VN-Index còn giảm nhẹ 0,67 điểm, đạt trạn thái cân bằng và độ rộng cũng không quá chênh lệch.

Chỉ số không thể phục hồi lên được trên tham chiếu vẫn do các trụ lớn nhất vẫn còn yếu. Trong Top 10 vốn của của VN-Index, VCB giảm 0,33%, BID giảm 0,3%, VHM giảm 0,72%, GAS giảm 0,55%, VIC giảm 0,37%. Chỉ có 4 mã tăng yếu là CTG tăng 0,56%, TCB tăng 0,42%, HPG tăng 0,76%.

Thực ra các trụ cũng không phải là quá kém, đại đa số cũng đóng cửa cao hơn giá thấp nhất phiên, nhưng biên độ hồi lại không nhiều. Một số mã như VHM, HPG, TCB có thanh khoản khá cao đợt ATC, nhưng không đủ để thay đổi giá tốt hơn. Chỉ số hiện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nâng đỡ của nhóm trụ. Mức chênh lệch hơn 5 điểm của VN-Index so với đáy chỉ là biên độ dao động thông thường.

Tuy nhiên cổ phiếu thì tốt hơn, bắt đầu có nhiều mã cân bằng trước so với chỉ số. Độ rộng sàn HoSE cuối phiên ghi nhận 170 mã tăng/202 mã giảm, so với tương qua 122 mã tăng/255 mã giảm lúc chạm đáy cũng là chút cải thiện. Số lượng nhiều hơn đáng kể là các cổ phiếu được dòng tiền bắt đáy nâng giá khỏi mức thấp nhất. Thống kê sàn HoSE đóng cửa có gần 32% số cổ phiếu “thoát đáy” từ 1% trở lên, tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với phiên sáng. Nguyên nhân một phần là do chiều nay giá giảm sâu hơn, kích hoạt dòng tiền bắt đáy mua dứt khoát hơn.

Các cổ phiếu trụ vẫn là gánh nặng cho VN-Index hôm nay.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán chiều nay có diễn biến nổi bật. Loạt blue-chips dẫn dắt ấn tượng là VCI tăng 3,72%, FTS tăng 2,26%, HCM tăng 2,13%, VND tăng 2,05%, SSI tăng 1%. Các cổ phiếu này đều bất ngờ xuất hiện lượng mua rất cao so với giai đoạn trong phiên. VCI thậm chí có hàng triệu cổ mua giá ATC, HCM cũng khớp hơn 1 triệu đợt này. Các mã nhỏ thậm chí tăng khỏe hơn nữa: ORS tăng 3,83%, CSI tăng 2,36%, DSC tăng 2,22%, VDS tăng 2,05%... Về thanh khoản, VCI, SSI, HCM lọt vào nhóm 10 mã giao dịch lớn nhất sàn HoSE.

Nhờ đợt lao dốc chiều nay, thanh khoản hai sàn đã tăng gần 47% so với buổi sáng, đạt 6.861 tỷ đồng. Dù vậy đây vẫn là con số nhỏ khi trung bình hai tuần vừa qua, các phiên chiều khớp lệnh đạt hơn 9.388 tỷ đồng/ngày. Điều này cho thấy dòng tiền vào vẫn còn hạn chế, nhà đầu tư bắt đáy chủ yếu ở vùng giá thấp và chờ đợi, số ít cổ phiếu thu hút được dòng tiền tốt hơn và đảo chiều như nhóm chứng khoán.

Điểm tích cực là cuối phiên thị trường đã có độ phân hóa tốt hơn, dù chỉ số thể hiện sự đuối sức rõ rệt. Phía tăng, trong 170 mã xanh có 64 mã tăng hơn 1%, thậm chí còn nhiều hơn phiên sáng (58 mã) dù phiên sáng độ rộng tốt hơn, chỉ số còn xanh. Phía giảm, trong 202 mã đỏ có 52 mã giảm quá 1%, cũng nhỉnh hơn buổi sáng (40 mã). Một số chịu sức ép khá mạnh là VNM giảm 2,04% khớp 405,5 tỷ đồng; MSN giảm 1,06% khớp 309,8 tỷ; HDB giảm 1,65% với 254,7 tỷ; GEX giảm 1,42% với 161,5 tỷ; OCB giảm 1,95% với 102,8 tỷ…

Nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng áp lực xả trong buổi chiều, tổng giá trị bán trên HoSE đạt 810,2 tỷ đồng, cao gấp đôi buổi sáng. Giá trị bán ròng cũng tăng lên 214,6 tỷ, đưa tổng mức bán ròng cả phiên lên -337,7 tỷ đồng. Đây là phiên thứ hai liên tiếp khối này rút ròng khá mạnh. Những mã bị bán ròng tiêu biểu là VPB -93,7 tỷ, HDB -87,8 tỷ, VCG -41,4 tỷ, OCB -32,3 tỷ, GEX -31,1 tỷ, FPT -24,5 tỷ, PLX -21,2 tỷ. Bên mua ròng có STB +63,6 tỷ, TCB +40,1 tỷ, MWG +33,5 tỷ, EIB +22,1 tỷ, FRT +21,7 tỷ.

Kim Phong

Tin khác