1. Chứng khoán

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/10

Lợi nhuận của PLX và OIL sẽ tích cực hơn nhờ nghị định mới về xăng dầu

CTCK Vietcap (VCI)

Chúng tôi duy trì quan điểm tự tin rằng tiêu thụ xăng dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh tại Việt Nam, ngay cả khi xe điện ngày càng phổ biến. Theo Bộ Công Thương, tiêu thụ xăng dầu tăng 4% so với cùng kỳ năm trước trong 8 tháng đầu năm 2024.

Chúng tôi dự báo tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 4,1% trong giai đoạn 2023-2028. Con số này cao hơn gấp 10 lần so với dự báo tiêu thụ xăng dầu toàn cầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) với CAGR là 0,4% trong cùng kỳ.

Chúng tôi kỳ vọng nghị định mới về ngành xăng dầu sẽ có tác động tích cực đến lợi nhuận của PLX và OIL. Do tình trạng thiếu hụt xăng dầu nghiêm trọng vào cuối năm 2022, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã dự thảo thêm các quy định để sửa đổi Nghị định 80 (ban hành vào tháng 11/2023) nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.

Kể từ những nhận xét gần đây của chúng tôi về dự thảo thứ ba của nghị định mới trong Báo cáo cập nhật PLX (Có vị thế tốt để tăng trưởng thị phần, và nâng cao lợi nhuận, ngày 08/08/2024), dự thảo thứ tư đã được ban hành vào ngày 20/08. Dự thảo này nhìn chung tương tự với dự thảo thứ ba về cơ chế định giá, nhằm tạo điều kiện cho các nhà phân phối xăng dầu có thể tự định giá, điều chỉnh chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức hàng năm dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam, và giảm bớt các khâu trung gian trên thị trường.

Có 2 thay đổi chính so với dự thảo thứ ba. (1) Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (PSF) sẽ do Chính phủ quản lý, thay vì vẫn do các nhà phân phối xăng dầu quản lý. Bộ Tài chính sẽ giám sát PSF và đảm bảo việc chuyển giao quỹ này vào Ngân sách Nhà nước (NSNN). (2) Khoản mục ‘premium’, một thành phần của giá cơ sở/giá trần, sẽ được xem xét mỗi 3 tháng (tương tự nghị định hiện hành), thay vì mỗi 7 ngày như trong dự thảo thứ ba. Nghị định mới dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm 2024 và có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Nghị định mới sẽ cho phép các nhà phân phối xăng dầu tự định giá và chuyển từ cơ chế giá cơ sở sang cơ chế giá trần. Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ cải thiện biên lợi nhuận cho các nhà phân phối xăng dầu. Chúng tôi nhận thấy việc phân phối xăng dầu ở châu Á tuân theo 3 cơ chế định giá chính: giá thị trường, giá cơ sở và giá trần.

Từ giai đoạn 2015-2023, các quốc gia áp dụng cơ chế giá thị trường hoặc giá trần có biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trung bình lần lượt đạt 3,0% và 3,9%, trong khi biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trung bình đạt 2,1% đối với PLX và 0,6% đối với PV OIL.

Chúng tôi tin rằng việc chuyển sang cơ chế giá trần sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của PLX và OIL, phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 và có thể tăng lên, tiệm cận với biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của các công ty cùng ngành trong khu vực.

Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu HVN

CTCK DSC

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (HVN – sàn HOSE) đạt 53.094 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 5.601 tỷ hoàn thành lần lượt 50% và 125% kế hoạch kinh doanh cả năm. HVN đã bắt đầu ghi nhận lãi trở lại vào quý 1 năm nay và tiếp tục duy trì được trong quý 2.

DSC kỳ vọng cùng với sự hồi phục của ngành hàng không, kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của HVN sẽ dần cải thiện. Tuy vậy, hiện tại, khả năng hoạt động liên tục của HVN là một vấn đề đáng chú ý, cần theo dõi sát sao trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Chúng tôi không thực hiện định giá và khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu HVN.

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu BCM

CTCK SSI

Becamex IDC (HOSE: BCM) là nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, với tổng diện tích đất sẵn có cho thuê là 357 ha, cùng với diện tích đất thương mại còn lại là 128 ha tại Thành Phố Mới Bình Dương (do BCM sở hữu 100%).

Ngoài ra, liên doanh VSIP (BCM sở hữu 49%) được dự báo sẽ mang lại cổ tức ổn định hàng năm. Với ước tính không đổi cho giai đoạn 2024-2025, chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu là 84.700 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 24,7%).

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu AST

CTCK SSI

Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu AST với giá mục tiêu 64.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với hệ số P/E mục tiêu là 15x và tiềm năng tăng giá 15%. Bên cạnh đó, chính sách cổ tức hấp dẫn được kỳ vọng sẽ quay trở lại với tỷ suất khoảng 6%, tương ứng 3.000-3.500 đồng/CP.

AST đã tiếp tục mở rộng quy mô cả trong giai đoạn đại dịch và gia tăng lợi thế với chuỗi 102 cửa hàng tại nhiều sân bay trên cả nước, sẵn sàng nguồn lực khi nhu cầu thị trường tăng trưởng trở lại. Tăng trưởng trong các năm tới sẽ được dẫn dắt bởi sản lượng hành khách quốc tế, đặc biệt ở thị trường lớn là Trung Quốc mới phục hồi 50% so với trước dịch, và sản lượng hành khách nội địa đang dần quay lại với mức tăng trưởng tự nhiên. Theo đó, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2024 và 2025 tăng trưởng 44% và 16% svck.

Mặc dù chúng tôi kỳ vọng giá trị lợi nhuận ròng sẽ vượt mức năm 2019 vào năm 2024, biên lợi nhuận ròng có thể sẽ duy trì thấp hơn mức trước dịch, do ảnh hưởng của thay đổi trong cách tính phí nhượng quyền khai thác tới tổng chi phí. Đây cũng là nguyên nhân khiến chúng tôi điều chỉnh giảm P/E mục tiêu xuống 15x, so với giá trị 17x trong báo cáo trước đó.

N.T

Tin khác